Theo kênh CNBC (Mỹ), “rèm ôm ấp” là sáng kiến của nhiều cá nhân, tổ chức để giúp con người có thể ôm nhau thực sự. Rèm thực ra là một tấm nhựa trong suốt, rộng, có bốn lỗ để hai người thò tay vào và ôm nhau khi đang đứng ở hai bên tấm rèm mà không phải tiếp xúc trực tiếp.
Không cần phải nói mọi người cũng biết là sáng kiến này đã mang tới những giây phút rưng rưng cho nhiều người. Hình ảnh, video về gia đình đoàn tụ, ôm nhau qua “rèm ôm ấp” xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Thông thường đó là cuộc gặp giữa những người trẻ và người già trong cùng gia đình bị chia tách để phòng dịch bệnh.
Jardins de Picardie, một nhà dưỡng lão ở Bỉ, cho biết “rèm ôm ấp” đã trở thành thứ mà các cư dân sử dụng nhiều nhất để họ có thể nhìn, ôm người thân tới thăm lần đầu tiên sau nhiều tháng bị phong tỏa.
Tấm rèm nhựa lớn được lắp tại Jardins de Picardie từ ngày 14/6. Người thăm và cư dân trại dưỡng lão có thể thể hiện tình cảm mà vẫn tránh tiếp xúc trực tiếp.
Một bà cụ sống ở Jardins de Picardie cho biết tấm rèm là “phát minh đẹp đẽ nhất” mà bà từng biết. Bà đã khóc khi lần đầu tiên có thể ôm con gái tới thăm sau một thời gian dài.
Ở Anh, một người đàn ông tên Antony Cauvin đã thiết kế một tấm chắn nhựa tương tự hồi tháng 5 để mình có thể ôm bà mà vẫn bảo vệ bà khỏi virus. Video Antony Cauvin ôm người bà đã được hàng triệu lượt người xem trên mạng xã hội.
Video Cauvin ôm mẹ qua "rèm ôm ấp" (nguồn: Independent):
Cũng tại Anh, một bà mẹ đã làm “rèm ôm ấp” để ôm con gái một cách an toàn. Cô bé mắc bệnh hen nặng và đã được đưa đi cách ly cùng bà trong thời gian phong tỏa.
Ý tưởng về “rèm ôm ấp” nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Hình ảnh tương tự xuất hiện ở Brazil, Tây Ban Nha, Ấn Độ…
Dù công nghệ hiện đại giúp nhiều người kết nối qua mạng nhưng thiếu những cái ôm ấm áp khiến nhiều người cảm thấy khó khăn, bi kịch.