Xuân về trên chốn 'Hoan Châu đệ nhất danh lam'

Nói đến chùa Hương Tích, người ta thường nghĩ đến ngôi chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội (Hà Tây cũ) mà không ít người biết rằng, ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có một ngôi chùa Hương Tích được coi là "phiên bản gốc" của chùa Hương - Hà Nội.

Chùa Hương Tích tại Hà Tĩnh. Ảnh: dantri.com.vn


Khi đất trời sắp sửa vào tiết tháng Giêng cũng là lúc chùa Hương Tích chuẩn bị bước vào mùa lễ hội. Giữa yên tĩnh núi đồi, trong khí thiêng của miền đất Phật, trên chốn “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, du khách như được thả hồn đến chốn bồng lai.

Chùa Hương Tích tọa lạc và tựa lưng vào dãy núi Hồng Lĩnh. Cùng với thời gian và trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử, di tích Phật giáo này đã thay đổi về địa điểm và diện mạo, nhưng sự linh thiêng và tôn nghiêm thì vẫn trường tồn trong lòng người dân địa phương và Phật tử cả nước.

Chùa Hương đã từng nổi tiếng là "Hoan Châu đệ nhất danh lam". Chùa được xây dựng trên động Hương Tích với hình thế núi tuyệt vời. Từ Bắc vào Nam, theo quốc lộ 1A, qua Bến Thủy, qua cầu Hạ Vàng rồi rẽ trái chừng 3 km thì đến chân núi, là nơi tọa lạc của chùa Hương Tích. Còn từ Nam ra, ta qua cầu Nghèn, rẽ phải về hướng Đông - Bắc chừng 2 km cũng tới chân quả núi thiêng này.

Chùa Hương Tích có sự hấp dẫn và làm đắm say lòng người ở nhiều phương diện như huyền thoại về công chúa Diệu Thiện, về đất thiêng nơi chùa tọa lạc, về vị sư đầu tiên trụ trì, về tính thiêng của từng điểm đến trong quần thể di tích. Chùa là chốn linh thiêng nổi tiếng từ xưa, đầu xuân vào ngày 18 tháng 2 Âm lịch chùa mở hội, thiện nam, tín nữ tới chùa thành kính cầu tài, cầu lộc, cầu tự, cầu an, cầu may. Cuối năm, họ lại trở về chùa để dâng lễ tạ ơn Phật đã phù hộ cho một năm đã qua.

Những ngày cuối năm, hòa cùng dòng người đi trả lễ, có những du khách đến chùa Hương vào dịp trời đất giao mùa để vãn cảnh danh thắng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, đắm mình trong thiên nhiên đất trời hòa quyện, với cõi phật linh thiêng và truyền thuyết về Bà Chúa ba Diệu Thiện hóa phật cứu độ chúng sinh và thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của non nước Hồng Lam.

Một du khách đến từ Hà Nội cho hay: “Được biết Chùa Hương Tích ở Hà Nội là một "phiên bản" đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích nơi đây, nên tôi và bạn bè đã nhiều lần muốn đến đây vãn cảnh”.

Trên đỉnh Hương Tích mây bay khói tỏa, còn lưu lại truyền thuyết kể rằng, Chùa do công chúa Diệu Thiện, con gái út của Sở Trang Vương tạo dựng vào thế kỷ XIII khi đến tu hành ở đây. Hương Tích nghĩa là “chứa mùi thơm” gắn liền với huyền ngôn ni sư Diệu Thiện, tại nơi đây đã hiến dâng 2 mắt và 2 cánh tay cho vua cha chữa khỏi bệnh rồi hóa Phật, để lại tiếng thơm muôn đời.

Ở độ cao 550m so với mặt nước biển, tọa lạc lưng chừng trên dãy núi Hồng Lĩnh kỳ vĩ, chùa nằm yên tĩnh giữa những bóng cây cổ thụ sừng sững tĩnh lặng, lưng dựa vào những tảng đá lớn. Giống như những ngôi chùa cổ của nước ta, chùa có điện Tam Bảo, nhà Bái Đường, giếng Trời, nhà thờ Tổ và đặc biệt hơn, chùa còn có am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải oan, khe Quỷ Khốc… gắn liền với những câu chuyện huyền bí được truyền lại trong dân gian.

Từ chân núi đến chùa dài khoảng 4.000m, có du khách đi bằng thuyền để lênh đênh trên hồ Nhà Đường khoảng hai cây số, sau đó đi bộ khoảng cây số nữa là đến cáp treo lên chùa. Những du khách muốn nhanh hơn lại đi xe ôm chạy thẳng lên đến nhà ga cáp treo. Nhiều người chọn cách đi bộ, vừa được chiêm ngưỡng phong cảnh hoang sơ của núi rừng với rừng thông xanh mướt, hoa rừng đủ loại lạ, vừa thả mình vào cõi phật thanh tịnh. Thử thách lớn nhất đối với du khách chọn cách đi bộ lên chùa, đó là phải lội qua hai đoạn suối nhỏ, tuy dễ đi nhưng phải chú ý kẻo trơn trượt ngã. Cảm giác đi mãi mà không đến đích và nơm nớp lạc đường.

Lên đến chùa, du khách tiếp tục cuộc chinh phục lên đến đỉnh khoảng 500 bậc cấp. Nơi đây di tích còn lại được gọi là nền Trang Vương mà theo truyền thuyết, là nền ngôi chùa do vua Trang Vương lập nên lần đầu tiên thờ công chúa Diệu Thiện. Từ trên nhìn xuống, rừng núi mênh mông bát ngát, xa xa là hồ Nhà Đường và hồ Cu Lây. Phong cảnh đẹp và gió mát khiến bao mệt nhọc tan biến. Đặc biệt từ năm 2011, Hà Tĩnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo từ đoạn thờ Miếu Cô lên đến Chùa Hương Tích nhằm phục vụ nhu cầu của du khách.

Trưởng ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương, ông Nguyễn Duy Đức chia sẻ: “Năm 2013 là một năm không mấy sôi động đối với Khu du lịch chùa Hương do Hà Tĩnh “đón nhận” nhiều cơn bão lũ xảy ra. Tuy nhiên, lượng khách đến với chùa Hương tương đối đều và ổn định. Để phục vụ tốt cho công tác lễ hội, năm 2013, Ban quản lý chùa Hương đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất của chùa.

Năm qua, chùa đón hơn 15 vạn lượt khách về vãn cảnh, thu phí và lệ phí hơn 1,4 tỷ đồng, thu công đức hơn 3 tỷ đồng”. Cũng theo ông Đức, để tổ chức tốt cho mùa lễ hội năm Giáp Ngọ, Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo việc điều chính quy hoạch chi tiết Khu du lịch chùa Hương, tổ chức cắm mốc, giao quyền quản lý đất và rừng cho ban quản lý chùa khai thác phục vụ hoạt động du lịch theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho du khách, ban quản lý đang tiến hành tu bổ, nâng cấp đường đi bộ, đầu tư xây dựng bãi thu gom xử lý rác, nhà vệ sinh công cộng, hệ thong hàng quán dịch vụ.

Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ du khách gần xa, Chùa Hương đã sẵn sàng cho một mùa lễ hội mới. Trong tiếng chuông chùa ngân vang, mọi người đều cảm nhận được hơi ấm của Tết cổ truyền đang đến thật gần.


Hoàng Ngà
Phát huy truyền thống văn hóa Việt tại lễ hội chùa Hương

Tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, ngày 7/1, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, lễ hội chùa Hương năm 2014 có chủ đề “Lễ hội du lịch chùa Hương nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN