Đề án này được thực hiện nhằm góp phần quảng bá nghệ thuật, phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời thiết lập thói quen sử dụng của người dân trong nước và bạn bè quốc tế với các sản phẩm, tác phẩm sơn mài của Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cấp kinh phí cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thực hiện đề án.
Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2030 nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần phát triển thị trường văn hoá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hoá. Góp phần chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hoá...
Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sỹ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Tôn vinh chất liệu, người trồng cây và người làm công cụ, tạo điều kiện, đầu tư, hỗ trợ, phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác sơn mài. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội về vị trí, vai trò cây sơn… Đề án cũng là cơ sở đầu tư giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo sáng tác trên chất liệu sơn mài trong các trường nghệ thuật, khuyến khích con em nghệ nhân học hỏi, duy trì nghề thuyền thống của cha ông…
Đề án Thương hiệu Quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” sẽ thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chính như xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”, hình thành tiêu chuẩn về nguyên liệu làm sản phẩm sơn mài; Tiêu chuẩn về nguyên liệu làm tác phẩm (tranh hội họa sơn mài); Quy trình chế tác sản phẩm và tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”; Quy trình đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm - tác phẩm; Các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; Đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam 2 năm/lần, với sự tham gia của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...
Theo kế hoạch, việc xây dựng thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” sẽ tập trung vào những nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của cây sơn và các vùng làm nguyên liệu để chế tác sơn mài; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm, tác phẩm “Nghệ thuật Sơn mài”; Đẩy mạnh công tác đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ về sáng tác, thể hiện tác phẩm, sản phẩm sơn mài cho các họa sỹ, nghệ nhân; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; Phát triển thị trường thông qua việc xây dựng thương hiệu Quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”, tổ chức các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tác phẩm sơn mài đến công chúng và người tiêu dùng trong và ngoài nước…
Nghề sơn đã có một lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Sơn ta thường được dùng chủ yếu để sơn gắn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, làm các đồ thờ cúng, trang trí đình chùa… Sau này, sơn ta được dùng vào các công việc trang trí. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo bởi chất liệu sơn ta và quy trình chế tác, nghệ thuật sáng tạo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.