Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với gia đình cố hoạ sĩ trưng bày triển lãm giới thiệu hơn 40 tác phẩm thuộc nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, bột màu, được sáng tác trong 3 giai đoạn 1975-1999; 2000-2009 và 2010-2015. Cũng nhân dịp này, gia đình cố họa sĩ sẽ ra mắt cuốn sách giới thiệu hơn 200 tác phẩm đánh dấu quãng thời gian sáng tác say nghề của Trần Văn Bình từ lúc còn trẻ cho đến lúc buông bút 60 năm, được gia đình tập hợp và biên soạn trong suốt 4 năm.
Cố họa sĩ Trần Văn Bình là người con đất Quảng Ngãi, nhưng điều đặc biệt là ông được sinh ra ngay trên chuyến tàu biển Ba Lan cuối cùng tập kết ra Bắc năm 1955. Mặc dù sống ở miền Bắc từ thơ ấu, nhưng âm hưởng quê hương Quảng Ngãi lại lớn dần trong ông như một hoài vọng quá khứ. Có lẽ chính bởi sự ảnh hưởng của hai miền đã tạo nên sự trộn lẫn trong cảnh vật ở những sáng tác về đồng quê của ông trong giai đoạn 1970-1980. Ở đó, phong cảnh không thuần túy một không gian, mà đan xen hư hư thực thực.
Cố họa sĩ Trần Văn Bình tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Khoa Mỹ thuật truyền thống, ngành sơn mài (khóa 1983-1988). Ông là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ có nhiều tác phẩm mang dấu ấn riêng, khẳng định niềm đam mê và phong cách sáng tác của ông. Những tác phẩm chính của họa sĩ có thể kể đến gồm: Hội họa (năm 1978, Bảo tàng Phương Đông, CHLB Đức); Bạch tuộc (năm 1984, sơn dầu, Bằng Diplome cuộc thi vẽ áp phích quốc tế về chủ đề Hòa bình tổ chức ở Moskva, Liên Xô); Quê hương (năm 1990, sơn mài, Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990, hiện thuộc sở hữu và được trưng bày tại Văn phòng Chính phủ); Quê hương vào hội (năm 2006, sơn mài, 21.6m2, hiện thuộc sở hữu và được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia); Nhịp (năm 2010, sơn mài, Giải C Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam); Chùa cổ Đường Lâm (năm 2015, sơn mài, Giải tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô)...
Nhà phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết: “Trong khoảng 50 năm qua, các họa sĩ Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp cố gắng xác định một phong cách riêng trong sáng tác nghệ thuật thuần tuý (bên cạnh các mẫu design), mang một phong cách thẩm mỹ có liên quan đến tính công nghiệp. Trưởng thành trong những năm 1970/1980, hoạ sĩ Trần Văn Bình cũng nằm trong dòng chảy chung của các họa sĩ ngành design này. Ông làm báo, vẽ tranh cổ động và thiết kế đồ họa ứng dụng, sáng tác hội họa là đời sống cá nhân của ông, nhưng vẫn có âm hướng chung với ngành nghề mà ông theo đuổi. Có thể nói họa sĩ Trần Văn Bình được đào tạo bài bản để trở thành một nhà thiết kế ứng dụng (designer) và thành một nghệ sĩ sơn mài độc lập. Sự qua lại về thẩm mỹ giữa design và hội họa cũng rõ nét qua từng tác phẩm”.
Triển lãm "Quê hương" diễn ra từ ngày 16/12 đến ngày 21/12/2020 tại Phòng trưng bày chuyên đề,Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội .