Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự cho rằng, văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn hòa quyện vào dòng chảy của văn học Việt Nam đa sắc tộc. Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà văn người dân tộc thiểu số là cần thiết để văn học Việt Nam tiếp tục phát triển phong phú và đa dạng. Nền văn học đa ngôn ngữ, chứa đựng đa giọng điệu và đa biểu đạt, hướng đến mục tiêu vì đất nước, vì dân tộc, tôn vinh những giá trị truyền thống chân - thiện - mỹ.
Theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, thời gian qua, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã có những bước trưởng thành rất đáng tự hào. Trước hết, phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng đông đảo, đã được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tập hợp trong một khối đoàn kết và thúc đẩy sáng tạo, sản xuất nhiều tác phẩm phục vụ đồng bào các dân tộc.
Trong các ngành nghệ thuật, văn học và mỹ thuật có sự phát triển nhanh cả về đội ngũ, chất lượng, đặc biệt là văn xuôi, với lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo. Thơ của các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp đáng kể vào nền thơ ca cả nước và mang đậm bản sắc riêng. Đề tài sáng tác không chỉ tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước, con người mới, mà hiện nay, biên độ sáng tác đã mở rộng hơn rất nhiều.
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số từng bước bắt nhịp với đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu và cái ác. Một số tác phẩm đã đi sâu vào khai thác thân phận con người dân tộc thiểu số và miền núi. Thể loại sáng tác phong phú và đa dạng hơn; nhiều tác giả mạnh dạn tìm tòi thể hiện các thể loại như văn xuôi, lý luận phê bình và điện ảnh, tuy chưa đông đảo nhưng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế đã được trao cho các tác giả người dân tộc thiểu số. Điều đáng chú ý, ngày càng nhiều tác giả người dân tộc thiểu số có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Công tác sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Khmer Nam Bộ, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông... và của nhiều dân tộc khác đã được biên soạn công phu và có giá trị cao, ra mắt bạn đọc.
Các nhà nghiên cứu và phê bình nhận định rằng, với tính đa dạng văn hóa vùng miền, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số mấy chục năm qua đã góp vào vườn hoa văn nghệ nước nhà những sắc màu không thể trộn lẫn. Đóng góp vào giai đoạn 1975 - 2025 của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số rất đa dạng, đề cập đến nhiều phạm vi hoạt động của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Một vấn đề lớn hiện nay là có nhiều anh chị em trẻ tâm huyết đã và đang chắc chắn có những đóng góp quan trọng cho văn nghệ các dân tộc thiểu số.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Chi hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Nội cho rằng, nói đến văn học nghệ thuật là nói đến tài năng và con người cụ thể. Do đó, Hội cần có cơ chế, chính sách cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và nuôi dưỡng tài năng văn nghệ sĩ, nhất là anh chị em văn nghệ sĩ là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Công việc sáng tạo thuộc về người nghệ sĩ, nhưng nếu người nghệ sĩ không đi vào đời sống, không đồng cam cộng khổ với nhân dân thì khó có thể chia sẻ niềm vui, nỗi khổ với mọi người. Vì vậy, văn nghệ sĩ bám sát cuộc sống, đi vào cơ sở, gần gũi với dân chúng là yêu cầu cấp thiết. Trong xã hội chuyển biến không ngừng ngày nay, mỗi văn nghệ sĩ phải tự trang bị cho mình bản lĩnh sống, biết làm chủ và có trách nhiệm với bản thân, với tác phẩm của mình, phân biệt được ranh giới giữa cái xấu, cái ác, bảo vệ cái tốt.
Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có trên 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian.