Văn hóa Phật giáo Huế đồng hành cùng dân tộc

Làm thế nào để văn hóa Phật giáo Huế đồng hành cùng dân tộc, là nội dung cuộc phỏng vấn của PV TTXVN với Thượng tọa Thích Huệ Phước, Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế qua 15 năm thực hiện NQTW5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".


Xin Thượng tọa cho biết nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo Huế?

Huế hiện nay là một trong ba Trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo nói chung và Phật giáo Huế nói riêng vào công cuộc dựng nước, giữ nước, bảo vệ, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Phật giáo Huế đã hòa nhập trong cộng đồng, trở thành một bộ phận văn hóa tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú. Đạo từ đời mà có, và đạo lại đi vào đời, luôn không tách rời cuộc sống con người nên giữ đạo để làm đẹp cho đời là hạnh nguyện của người con Phật.


Chùa Thiên Mụ trong đêm lễ hội.


Với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", Phật giáo Huế đã đồng hành cùng con người và quan tâm hướng dẫn tín đồ phật tử sinh hoạt theo đúng chánh pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh của người dân, và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống tinh thần và vật chất của con người, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của tăng, ni, phật tử tạo thành sức sống mãnh liệt, góp phần giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; trong đó, chùa Huế là một điển hình.


Hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm Phật đường lớn nhỏ, trong đó có những ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Trà Am, Vạn Phước… Mỗi ngôi chùa ở Huế không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong đời sống văn hóa tâm linh của Huế. Tiếng chuông chùa Thiên Mụ đã in sâu vào lòng người dân Huế như một dấu ấn tâm linh không thể thiếu. Vẻ đẹp cổ kính cùng với chiều dày lịch sử của chùa Thiên Mụ như một minh chứng về sự đóng góp của phật giáo Huế vào sự bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Bên cạnh chùa Thiên Mụ, các chùa Diệu Đế, Túy Vân, Từ Đàm và nhiều chùa khác cũng nằm trong danh sách những ngôi chùa được cấp bằng công nhận di sản văn hóa quốc gia.


"Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ tông", Hòa thượng Mãn Giác đã từng thốt lên như vậy khi nói về những ngôi chùa. Chính vì vậy, chùa trên đất nước ta nói chung và chùa Huế phải trở thành nơi tu học, mang lại lợi ích cho nhiều người và mỗi ngôi chùa thật sự là tổ ấm tâm linh, hình thành nên bản sắc văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

 

Vậy làm thế nào để văn hóa Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, thưa Thượng tọa?

 

Phật giáo Huế có lòng yêu nước nồng nàn, và ý thức dân tộc sâu đậm, sống nặng nghĩa tình, đoàn kết gắn bó với họ hàng, làng nước, tạo mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng. Tăng ni, phật tử Thừa Thiên - Huế đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi hiến pháp, bầu và ứng cử đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, tham gia mặt trận các cấp; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, và xây dựng nông thôn mới; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Các lễ hội truyền thống như Phật đản, Vu lan, Thành đạo, Lễ hội Quán Thế Âm, lễ cầu quốc thái dân an, lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ... cùng nhiều hoạt động mang tính xã hội khác như diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, triển lãm thư pháp, hội chợ ẩm thực chay... hàng năm đều được tổ chức trang trọng, thu hút hàng vạn tín đồ, nhân sĩ, trí thức, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Chính những hoạt động lễ hội ấy góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và duy trì nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày càng biết đến bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như nếp sống muôn đời của tổ tông.


Các chùa ở Huế mở rộng lòng từ bi, làm nhiều việc thiện góp phần tốt đời, đẹp đạo. Các sư cô của chùa Đức Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy thu nhận và chăm lo cho gần 200 đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, ăn học thành người. Chùa Đức Sơn đã được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen tặng. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (tại số 5 Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, thành phố Huế) đã đứng ra thành lập cơ sở khám chữa bệnh đông y từ thiện, do sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm điều hành. Hiện cơ sở thu hút 36 bác sĩ lành nghề, trong đó 30 bác sĩ là tu sĩ; phần lớn tham gia chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo với tinh thần tự nguyện, hàng năm khám và chữa bệnh miễn phí cho hơn 50.000 bệnh nhân. Chỉ riêng Tuần lễ Phật giáo 2013 tại Huế, toàn thể giáo hội đã tặng hơn 2.100 suất quà cho bệnh nhân nghèo và các gia đình khó khăn tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị; trong đó có gần 1.600 suất quà được trao cho những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các khoa của Bệnh viện Trung ương Huế.


Hệ thống chùa ở Huế hiện đang là nguồn tài nguyên, trong đó ẩn chứa nhiều giá trị di sản văn hóa Phật giáo hấp dẫn đối với du khách gần, xa. Từ nhiều năm nay, hệ thống chùa Huế đã trở thành điểm đến tham quan thưởng ngoạn, nghiên cứu hấp dẫn, và là địa chỉ hành hương, thiện nguyện của đông đảo tăng ni phật tử trong cả nước. Để chùa Huế vẫn giữ được sự linh thiêng nơi thờ tự, đồng thời là địa chỉ du lịch độc đáo hấp dẫn đối với du khách, các cấp, các ngành chức năng cần có sự phối hợp khai thác hợp lý, nhất là lĩnh vực du lịch, sớm trở thành một thương hiệu văn hóa tâm linh đặc sắc của Huế và cả nước.


Như vậy, văn hóa dân tộc Việt Nam và văn hóa Phật giáo Việt Nam đã hòa quyện, không thể tách rời. Chính vì lẽ đó, trong tương lai, phật giáo Huế còn có vai trò to lớn hơn nữa trong đời sống tâm linh của người Việt Nam để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tích cực của mình, bồi đắp và đổi mới cho phù hợp với thời đại, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, an lạc cho đất nước Việt Nam và toàn thể chúng sinh, nhân loại...

 

Xin cám ơn Thượng tọa.


Bài và ảnh:Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN