Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (Điều tra DTTS 2024) được thực hiện nhằm các mục đích thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội.
Mục tiêu của công tác này là phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030.
Kết quả của cuộc điều tra sẽ làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng. Việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng dân tộc thiểu số".
Đồng chí Hầu A Lềnh mong muốn cuộc Điều tra lần này sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới; từng bước khắc phục, giải quyết những khó khăn đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Việc tổ chức thành công Lễ ra quân Điều tra DTTS 2024 tại Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra, từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc Điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc Điều tra.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: "UNFPA luôn kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới ưu tiên đầu tư vào cải thiện hệ thống dữ liệu dân số, đảm bảo an toàn cho mọi người khi thu thập dữ liệu và đặc biệt làm sao để các cộng đồng bị thiệt thòi được đại diện tham gia. Chỉ khi nào họ được đưa vào hệ thống dữ liệu một cách trung thực với tất cả sự đa dạng của mình, chúng ta mới có thể đẩy lùi định kiến và bất bình đẳng, và tạo dựng một tương lai kiên cường, hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người".
Theo Tổng cục Thống kê, Điều tra DTTS 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và 3 tỉnh, thành phố có các xã, phường, thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống gồm: TP Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.
Đối tượng điều tra của Điều tra DTTS 2024 bao gồm: Hộ dân cư người dân tộc thiểu số (Hộ DTTS); Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ DTTS tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; Tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Nội dung điều tra đối với hộ gồm các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; Giáo dục; Di cư; Hôn nhân; Sử dụng bảo hiểm y tế; Việc làm; Lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua; Nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; Đất ở, đất sản xuất của hộ; Một số loại gia súc chủ yếu của hộ; Tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
Nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: Đặc điểm của xã; Sử dụng điện, đường, giao thông; Trường học và trình độ giáo viên; Nhà văn hóa; Y tế và vệ sinh môi trường; Chợ; Trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; Tôn giáo, tín ngưỡng; Mức độ phủ sóng điện thoại và internet.
Kết quả cuộc điều tra sẽ bàn giao cho Ủy ban Dân tộc vào tháng 4/2025 và dự kiến được công bố vào tháng 5-7/2025.