Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, thành trì quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình luôn gắn liền với cộng đồng, khu phố, làng xã, là nền tảng vững chắc phát huy sức mạnh, sự trường tồn của dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm là dịp rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị của gia đình, để con, cháu hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, vun đắp những tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, đất nước.

Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Từ đó đến nay, cứ đến dịp này, trên cả nước lại diễn ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt. 

Năm nay, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, tại các địa phương cũng đã diễn ra hàng loạt chương trình với nhiều ý nghĩa. Ngày 20/6, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu trong thực hiện công tác gia đình và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” giai đoạn 2020 - 2024. 

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024, tại các địa phương trên cả nước đã diễn ra hàng loạt chương trình ý nghĩa.

Tại TP Hồ Chí Minh, chiều 24/6, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Lao động Quận 5 tuyên dương “Gia đình công nhân viên chức lao động văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu” năm 2024. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Hậu Giang tổ chức Họp mặt kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và tuyên dương các gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu và người tốt việc tốt tiêu biểu năm 2023.

Tại Bến Tre, ngày 26/6, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam và chăm lo cho trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tại Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng 164 gia đình tiêu biểu đại diện cho gần 10.000 gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành; khen thưởng 68 học sinh tiêu biểu là con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đạt thành tích xuất sắc năm học 2023 - 2024. Ngày 27/6, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị biểu dương “Gia đình công nhân, lao động tiêu biểu” năm 2024.

Biểu dương, trao giấy chứng nhận cho 17 gia đình công nhân, người lao động tiêu biểu năm 2024 tại Bình Định.

Trước đó, vào tối 25/6, tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam 2024 với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước. Với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng", Ngày hội (diễn ra từ 25 - 29/6) góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí của công tác gia đình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để các địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác gia đình, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 là hoạt động văn hóa nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi, chia sẻ và hợp tác giữa các địa phương, gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới.

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024.

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn của gia đình, để mọi thành viên trong gia đình thể hiện nhiều hơn sự quan tâm đến nhau, chia sẻ và trân trọng. Đồng thời là ngày để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, về tổ ấm yêu thương, nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc.

Nhấn mạnh về ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam, ngày 27/6, khi về thăm làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), trò chuyện với nhân dân tại đình cổ Đường Lâm, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, thành trì quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình luôn gắn liền với cộng đồng, khu phố, làng xã, là nền tảng vững chắc phát huy sức mạnh, sự trường tồn của dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm là dịp rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị của gia đình, để con, cháu hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, vun đắp những tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, đất nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm làng cổ Đường Lâm, trò chuyện với nhân dân tại đình cổ Đường Lâm.

Cơ sở hình thành gia đình là hôn nhân, huyết thống, gắn liền với chức năng sinh sản, duy trì nòi giống, vì thế giá trị đầu tiên của gia đình là sự yêu thương, gắn kết giữa các thành viên, các thế hệ, nhất là tình yêu thương, đức hy sinh của cha mẹ với con cái. Chính tình yêu thương, lòng vị tha, nhân ái, khoan dung của ông bà, cha mẹ đã tạo nên những cảm xúc tích cực nuôi dưỡng tâm hồn của con cháu, để khi lớn khôn, trưởng thành, họ luôn nhớ về cội nguồn với sự trân trọng, biết ơn.

Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thống xây dựng và phát triển gia đình ấm no, hạnh phúc. Gia đình là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Vì thế lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường… cũng là những giá trị cao đẹp được bồi đắp từ trong mỗi gia đình. Gia đình Việt Nam chính là nền tảng để xây dựng nên con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Gia đình chính là nền tảng để xây dựng nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người nhấn mạnh: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Do đó, Người rất quan tâm đến vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục trong gia đình. Theo Người, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình. Các gia đình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân có ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng.

Gia đình (cha mẹ, ông bà…) là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu, chăm chỉ, cần cù trong lao động sản xuất…

Sôi nổi Hội thi "Bữa ăn gia đình, gắn kết yêu thương".

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế kết quả giáo dục: “giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

Vì vậy, nhà trường, gia đình và đoàn thể phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục con em mình: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”.

Bác còn nhấn mạnh, giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng gia đình riêng lẻ mà phải mở rộng tác dụng ra làng xã và toàn xã hội, phải chăm lo đến cả con cái những gia đình khác trong đại gia đình của dân tộc ta: “Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình… Đã là đại gia đình, thì sự săn sóc, dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe”.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”. Đại hội VII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng gia đình văn hóa mới có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống, thực hiện kế hoạch hóa dân số, giữ gìn và phát huy những truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”...

Những giây phút vui mừng của cha mẹ khi con hoàn thành bài thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. 

Ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW “Về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (Chỉ thị đầu tiên của Đảng chuyên bàn về xây dựng gia đình Việt Nam), khẳng định: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”.

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm làm “Ngày Gia đình Việt Nam”, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ cần tập trung “phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. Trong quá trình đó, “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”; “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; “Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”.

Lễ vinh danh các gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. 

Đặc biệt, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học - công nghệ.

Cùng với chủ trương của Đảng, hệ thống pháp luật hướng tới xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam tiến bộ, văn minh cũng đã được ban hành khá toàn diện. Đó là: Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016)… cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển. Với việc thực thi hiệu quả pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội đã được đẩy lùi.

Cả gia đình cùng tham gia kéo co - một trò chơi dân gian mang đậm tính đoàn kết tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều phong trào thi đua liên quan đến việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình cũng được các địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Tiêu biểu như các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới… đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

Trên cơ sở thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong gần 40 năm đổi mới, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình ngày càng được nâng lên. Cùng với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình ngày càng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng... Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Tiết mục giao lưu sáng kiến truyền thông với chủ đề Xây dựng gia đình hạnh phúc “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” vun đắp giá trị gia đình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt; tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên… Những hạn chế này đang khiến cho nhiều gia đình có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc.

Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các chủ chương, chiến lược của Đảng và Nhà nước, việc hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, góp phần giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc.

Bài: Minh Duyên - Minh Thu - Hoàng Linh (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

30/06/2024 06:10