Xây dựng giá trị thương hiệu di sản
Di sản Tràng An trở thành di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á, tạo cơ hội và động lực mới để Ninh Bình thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới.
Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 khẳng định, ngoài sức hấp dẫn tuyệt vời về mặt thẩm mỹ, Tràng An còn là một bằng chứng cụ thể về việc bảo tồn tính đa dạng của di sản và chia sẻ công bằng những lợi ích thu được từ việc khai thác danh thắng, nâng cao ý thức thuộc về nơi này, tôn trọng lẫn nhau, gắn kết xã hội, cũng như sự tự do về lựa chọn và hành động của các cá nhân và tập thể. Thành tựu này là kết quả của nỗ lực chung trong việc khai phóng sức mạnh đột phá của di sản để làm phong phú thêm cuộc sống của cả thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.
Nhận diện những tiềm năng thế mạnh riêng có của địa phương, tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã có định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn và khát vọng tương lai. Đó là biến di sản thành tài sản, nguồn lực, động lực để phát triển trong bối cảnh mới.
Ninh Bình đã và đang quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển bằng cách giải quyết thật tốt các vấn đề đặt ra như: Ðổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương; bảo tồn và phát huy di sản để các giá trị di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân và trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân xung quanh di sản… Với mục tiêu là xây dựng Ninh Bình trở thành “Trung tâm du lịch quốc gia mang giá trị toàn cầu”, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Ðây là thách thức lớn, đòi hỏi trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân ở Ninh Bình.
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia nhấn mạnh, Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình là sự lựa chọn đúng hướng, lấy văn hóa làm nền tảng, động lực phát triển. Phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình cần được đặt trong mối quan hệ với toàn bộ vùng Đồng bằng Bắc Bộ trên nền không gian địa lý, tự nhiên, môi trường, liên kết các cụm di sản văn hóa, cảnh quan nông nghiệp, non nước, đan xen với các khu định cư, kết nối công nghệ số. Từ đó, kiến tạo không gian sống để con người kết nối với thiên nhiên, hình thành cấu trúc không gian sáng tạo mới thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Khát vọng tiếp nối
Ninh Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á sở hữu danh hiệu di sản kép và thừa hưởng tinh hoa văn hóa của vùng đất Kinh đô Hoa Lư. Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Đô thị Cố đô - Di sản" vừa bảo tồn các giá trị bền vững, vừa mang tính văn minh, hiện đại.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 4/3/2024, tỉnh đã có các giải pháp để phát triển đô thị đi đôi với bảo tồn bền vững các giá trị của di sản. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính trực thuộc gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị Cố đô - Di sản", dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Từ giữa năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, nhu cầu phát triển du lịch, văn hóa và công nghiệp văn hóa tăng cao, thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình đô thị hóa nông thôn, nâng dần cả đô thị và nông thôn ở vùng Kinh đô Hoa Lư xưa từng bước tiệm cận với mô hình "Đô thị Cố đô - Di sản". Đây cũng chính là nội dung cốt lõi, là cơ sở quan trọng hàng đầu để Ninh Bình nghiên cứu, định dạng thương hiệu đô thị Hoa Lư - Ninh Bình trong định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Nhận diện những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã có định hướng chiến lược. Cụ thể, đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng. Việc xây dựng thương hiệu Đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư như một biểu tượng phát triển tương lai, hướng đến chất lượng và tiêu chí thẩm mỹ, cũng như khẳng định vị thế của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Tràng An, Cố đô Hoa Lư trong tiếp nối đương đại.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 28/5/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với truyền thống lịch sử - văn hóa, ý chí, khát vọng và lòng tự hào vùng đất Cố đô cùng tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Ninh Bình sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, động lực mới theo Quy hoạch tỉnh đã công bố. Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.