Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Đô thị Cố đô - Di sản", trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ trên thế giới. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết "Xây dựng Cố đô di sản hội nhập và phát triển".
Bài 1: Lưu giữ giá trị di sản Cố đô nghìn năm
Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình được mệnh danh là “Kinh đô đá”, trầm mặc và đầy uy nghi, nghìn năm qua vẫn lưu giữ những giá trị khởi nguyên một thời "vàng son" của dân tộc; là điểm đến mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc.
"Vàng son" một thuở
Ninh Bình được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất di sản, nơi sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Nơi mà cách đây hơn 1.000 năm, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, đặt Kinh đô ở Hoa Lư, gắn với ba triều đại: Đinh, Lý, Tiền Lê.
Nằm ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng cũng là điểm du lịch tâm linh, nơi du khách được chiêm ngưỡng những dấu vết của Cố đô Hoa Lư xưa. Đền ở thôn Văn Bòng, xã Gia Phương có từ thế kỷ XV, nằm trên khu đất rộng khoảng 3.000 m2. Đền có kiến trúc kiểu "Tiền Nhất hậu Đinh" với những chi tiết đơn giản nhưng rất tinh tế.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội, cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung. Năm 1993, đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây là quê hương của người Anh hùng dân tộc ở thế kỷ thứ X, với nhiều huyền thoại về thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh và các bạn cùng làng như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ tập trận cờ lau, nuôi chí lớn dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9, 10 tháng Ba Âm lịch, người dân thôn Văn Bòng lại tổ chức lễ hội đền để tưởng nhớ và lưu truyền về công lao to lớn của vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế đã chọn Hoa Lư là trung tâm chính trị - kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền. Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê tọa lạc tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư - vị trí thuộc trung tâm thành Đông của Kinh đô Hoa Lư, cũng là nơi lưu lại dấu vết của vương triều Cố đô Hoa Lư xưa. Đền được xây dựng từ thời nhà Lý, được nhà Hậu Lê cho xây dựng lại vào thế kỷ XVII, là công trình có giá trị văn hóa, lịch sử rất quan trọng với dân tộc Việt Nam. Đến nay, đền vẫn uy nghi, trầm mặc giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Ninh Bình, chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng với những dấu ấn: Thống nhất giang sơn, đánh Tống dẹp Chiêm, phát tích quá trình định đô tại Thăng Long, Hà Nội.
Kinh đô Hoa Lư được hình thành trên nền tảng của quá trình phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa khu vực. Đến cuối thập niên 60 của thế kỷ thứ X, sau khi hội đủ các điều kiện thuận lợi để trở thành kinh đô, Hoa Lư đã phát triển vượt trội cả về đô thành và thị thành để trở thành đô thị lớn nhất và tiêu biểu nhất của quốc gia Đại Việt đương thời. Hoa Lư thời Đinh - Lê đã trở thành một trung tâm văn hóa lớn, khởi nguyên một thời vàng son của dân tộc, khai mở và đặt cơ sở nền tảng cho sự phát triển toàn thịnh của văn minh Đại Việt.
Tại Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, di sản mà Nhà nước Đại Cồ Việt, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc tiền nhân để lại và những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua là vô cùng quý giá, là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tiến tới thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng vào năm 2030; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hào khí Cố đô nghìn năm
Qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Hoa Lư đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc. Những dấu tích, di tích tại Hoa Lư đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đó là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, tạo nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến sau này kế thừa và phát triển.
Hơn 1.000 năm trôi qua, nhưng âm hưởng của Kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng tới tận ngày nay. Vùng đất địa linh nhân kiệt và không gian văn hóa đặc sắc ấy đã tạo nên tính cách con người Cố đô Hoa Lư. Trên những chặng đường lịch sử, người Ninh Bình luôn thể hiện tinh thần cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ và luôn dũng cảm, kiên cường trước thiên tai, giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Ninh Bình một vùng non nước hữu tình với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo du khách, từ đó, người dân Ninh Bình tiếp nối mạch nguồn văn hóa xa xưa, chào đón du khách bằng sự chân chất, hiền hậu, mộc mạc, thanh lịch vốn có.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, đô thị Hoa Lư trải hơn nghìn năm biển đổi, có lúc thu hẹp, có khi mở rộng. Sự thu hẹp hay mở rộng này đều dựa trên nền tảng là Kinh đô Hoa Lư, trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền. Tính từ giữa năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, nhu cầu phát triển du lịch, phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa tăng cao, thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình đô thị hóa nông thôn, nâng dần cả đô thị và nông thôn ở vùng Kinh đô Hoa Lư xưa từng bước tiệm cận với mô hình Đô thị Di sản. Quá trình tiến tới một Đô thị Di sản thiên niên kỷ văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước và có tầm vóc quốc tế, cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện dần các tiêu chí để Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Những giá trị nổi bật của đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, cũng như của đô thị - cảng thị trung đại tựa núi, nhìn sông, mở ra Biển Đông đầu tiên ở khu vực phía Bắc đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử, văn hóa Kinh đô Hoa Lư. Đây chính là nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh mẽ và lợi thế căn bản cho thành phố Hoa Lư trong tương lai, nâng tầm trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ văn minh, hiện đại.
Bài 2: “Đánh thức” di sản đô thị