Cổng Nam di sản Thành Nhà Hồ có chiều dài 34,850m, sâu 15m và cao 10m, được xây dựng kiểu cuốn vòm với các phiến đá lớn hình chữ nhật bằng phẳng tạo thân cổng, các khối đá có mặt cắt hình thang cân (dân gian gọi là hình múi bưởi) tạo vòm cửa.
Đây là một trong những điểm thu hút khách tham quan du lịch mỗi khi đến với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, trải qua thời gian hơn 600 năm, dưới tác động của thiên nhiên, con người, di tích cổng Nam đã bị mất phần kiến trúc như vọng lâu, các cánh cổng cũng như tình trạng sụt vỡ các khối đá tạo vòm. Thực tế hiện trạng này đã xảy ra nhiều năm nay.
Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia bảo tồn và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ thì hiện tượng sụt vỡ của các viên đá vẫn đang tiếp tục diễn ra. Đá xây dựng vòm cửa Nam là đá vôi rất giòn và cứng, vì vậy hiện tượng nứt vỡ là hoàn toàn tự nhiên. Khối đá nứt vỡ có trọng lượng khoảng 200kg, đã vỡ và tụt xuống tạo thành khe hở khoảng 5cm. Tại khu vực cửa Nam, hiện đang chịu tác động của tự nhiên, môi trường, như mưa, nắng, rêu, ẩm, địa y và đặc biệt là tác động ăn mòn của muối.
Qua phân tích của các nhà nghiên cứu, muối được hình thành từ hơi nước bốc lên, từ trong nước chảy vào khe đá, gây hiện tượng ăn mòn đá, điều này đặc biệt nguy hại tác động lớn đến viên đá bị vỡ tụt. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng và có nguy cơ khiến viên đá bị tụt khỏi vòm cuốn, ảnh hưởng kết cấu vòm, gây nguy hại đến kiến trúc và nguy hiểm cho khách tham quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và thẩm mỹ của di tích. Bên cạnh đó, hiện tượng thực vật như rêu, địa y ngày một sinh sôi đã làm biến đổi màu sắc bề mặt các phiến đá, từ màu trắng ngà, xanh lá sang màu đen.
Dự án "Bảo tồn, tu sửa khẩn cấp mái vòm cổng Nam di sản Thành Nhà Hồ" sẽ được tiến hành với 4 mục tiêu chính. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là tu sửa cấp thiết, bảo tồn cấu trúc mái vòm cổng thành phía Nam. Mục tiêu thứ hai là loại bỏ sự xâm hại, tác động của các loài thực vật, rêu mốc, địa y, muối lên tường cổng thành phía Nam của Thành Nhà Hồ, đảm bảo tính toàn vẹn, mỹ quan của di sản. Mục tiêu thứ ba là nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý di sản và người dân trong vùng trong công tác bảo tồn di sản. Mục tiêu thứ tư là phát huy giá trị di sản vì cổng chính của thành là điểm dừng chân đầu tiên của du khách.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Đỗ Quang Trọng cho biết: "Để thực hiện dự án này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ mời chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di tích, nhất là di tích xây dựng bằng đá, bảo tồn bề mặt đá để trực tiếp nghiên cứu, bảo tồn và triển khai thực hiện, bảo đảm việc tu sửa an toàn, bảo lưu giá trị nguyên gốc cùng tiến độ đề ra."
Dự kiến thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2019. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và các chuyên gia bảo tồn sẽ tiến hành khảo sát, khoanh vùng, phân tích vị trí bị nứt vỡ trên mái vòm phía Tây và các vị trí bị xâm hại trên bề mặt cổng Nam, cũng như lấy mẫu, phân tích tác nhân gây hại mái vòm và bề mặt cổng thành Nam. Sau đó sẽ tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng phương án bảo quản, tu sửa mái vòm phía Tây của cổng Nam và loại bỏ tác nhân gây hại bề mặt cổng Nam.
Trong các tháng 1, 2/2019 sẽ tổ chức tu sửa và bảo quản cổng Nam Thành Nhà Hồ, tu sửa mái vòm phía Tây cổng Nam, làm sạch các mặt của phiến đá bị vỡ, loại bỏ dị vật, nâng phần dưới của phiến đá bị vỡ trên mái vòm... Tiếp đó sẽ tiến hành loại bỏ tác nhân: Thực vật, rêu mốc, địa y, muối gây hại bề mặt cổng Nam...