Bìa cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Phiên bản tiếng Anh. Phóng viên VNTTX Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp TTXGP tại cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975.
|
“Những giờ phút huy hoàng của lịch sử dân tộc và những năm tháng làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi”, nhà báo Trần Mai Hạnh tâm sự.
Thưa nhà báo Trần Mai Hạnh, giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975 may mắn được chứng kiến và bài tường thuật được viết ngay tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử ấy, với cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, có mối liên hệ thế nào?Với tôi, mối liên hệ này cứ như một định mệnh. Tôi được chọn cử tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn và đi trong đoàn cán bộ, phóng viên đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã được thành lập vào trung tuần tháng 3/1975, ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột do đích thân Tổng biên tập VNTTX khi đó là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, đoàn đã tiến vào các thành phố, thị xã được giải phóng tức thời suốt từ Huế tới Sài Gòn. Tôi may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong tôi từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng.
Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng và phóng viên Trần Mai Hạnh, Văn Bảo chụp tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975. |
Ông có thể nói rõ hơn về thời khắc ấy và ấn tượng mạnh mẽ nào đã khiến ông bật ra ý tưởng đó?
Tối 30/4/1975, sau khi điện được bài tường thuật về Hà Nội, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn, say sưa ngắm nhìn “Hòn ngọc Viễn Đông” lộng lẫy vô cùng trong đêm đầu tiên nguyên vẹn trở về trong lòng dân tộc. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã thì đêm đã khuya. Tôi ngủ thiếp đi. Khi choàng tỉnh, tôi bước ra sân, Dinh Độc Lập ngay trước mặt, cả 4 tầng lầu rực sáng ánh đèn. Những quả pháo hiệu liên tục được bắn lên bầu trời như pháo hoa mừng chiến thắng khiến khung cảnh càng trở nên rực rỡ, lung linh. Thành phố đã bước sang ngưỡng cửa ngày 1/5. Những sự kiện lịch sử trưa 30/4 vừa diễn ra tại Dinh Độc Lập phút chốc đã trở thành quá khứ, và sẽ ngày một lùi xa trong lớp bụi thời gian. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Tự dưng tôi bật ra ý tưởng phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) bằng những tài liệu nguyên bản tuyệt mật của chính phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ). Đó là căn nguyên khởi đầu của cuốn sách này.
Trang 1 và trang 3 Báo Nhân Dân ngày 2/5/1975 có đăng bài tường thuật của nhà báo TMH. |
Bài tường thuật với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” ông điện từ Sài Gòn ra, đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát báo đêm 30/4/1975, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 1/5 , đăng Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 ghi rõ tên người viết: “Bài của Trần Mai Hạnh, Phóng viên VNTTX tại Sài Gòn”. Xin hỏi, đây có phải lần đầu tiên công khai danh xưng “phóng viên VNTTX” tại các chiến trường miền Nam không? Đúng vậy. Từ thời điểm trưa 30/4/1975 trở về trước, tất cả tin bài của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và phóng viên Việt Nam Thông tấn xã biệt phái gửi từ chiến trường miền Nam ra đều ký là “TTXGP”. Khi đó,viết xong bài tường thuật, theo thông lệ tôi chỉ ghi hai chữ “Mai Hạnh” dưới bài viết rồi đưa điện báo viên điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh. Khi trực tiếp duyệt lại bài trước khi điện báo viên điện chuyển tiếp về Hà Nội, Tổng biên tập Đào Tùng đã ghi rõ ngay dưới tít bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của tôi là: “Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn”.
Giải thích về việc này, mấy hôm sau gặp ở Sài Gòn, ông nói với tôi, giọng rất ân tình. Đại ý: Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tuy hai mà một, tuy một mà hai. Trong sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc hôm nay, bên cạnh các tin, bài, ảnh của TTXGP nhất thiết phải có sự hiện diện của phóng viên VNTTX. Vì vậy, dưới bài tường thuật Mai Hạnh điện về tôi đã ghi rõ “Bài của Trần Mai Hạnh, Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn” trước khi điện chuyển tiếp về Tổng xã ở Hà Nội”.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao ngay ngày đầu giải phóng ông lại quyết định dấn thân vào việc phục dựng sự thật lịch sử của phía bên kia chiến tuyến, một công việc hết sức khó khăn và dường như chưa từng có tiền lệ?Khi ấy tôi còn trẻ, 32 tuổi và trong men say chiến thắng mới liều lĩnh quyết định một việc “tày trời” như vậy. Việc truy tìm, tập hợp tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) rồi hóa thân phục dựng lại thật trung thực sự sụp đổ của cả một thể chế, cả một chế độ tay sai, đâu có đơn giản.
Ai là người đầu tiên chia sẻ, động viên ông dấn thân trên con đường phục dựng sự thật lịch sử mà ông chọn lựa?Tôi nhớ, khuya ngày 5/5/1975, tại Trụ sở Phân xã VNTTX tại Sài Gòn lúc đó ở 155 Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu, tôi được Tổng biên tập Đào Tùng gọi vào phòng riêng của ông. Sáng nay ông từ căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh về tới Sài Gòn là lao ngay vào các cuộc làm việc với Giám đốc TTXGP Trần Thanh Xuân, với Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và với Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định. Vừa gặp, ông đã hồ hởi đưa tờ Báo Nhân Dân ngày 2/5/1975, trang 1 nổi bật hàng tít lớn mầu đỏ chói: “MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG”, trang 3 đăng bài tường thuật của tôi báo đã đặt lại đầu đề là: “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy”.
“Quà của cậu đây!”, ông nói.
Tôi thưa với ông về ý định xây dựng cuốn sách mới nảy sinh. Ông hết sức hoan nghênh và khuyên tôi cần tiến hành ngay việc tìm kiếm, sưu tập các tài liệu nguyên bản từ phía bên kia, cả nguồn tài liệu trong nước và trên thế giới. Ông siết chặt tay tôi: “Chúng ta may mắn được chứng kiến những giờ phút lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Sự thật đó phải được chứng minh bằng các tài liệu nguyên bản, các văn bản gốc và nhân chứng của các sự kiện lịch sử!”.
Như vậy, việc sưu tập tài liệu để viết cuốn sách được ông tiến hành ngay trong những ngày đầu của Sài Gòn giải phóng?Đúng thế. Tôi bắt tay ngay vào việc từ sáng 1/5/1975 với việc xin “Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định cấp cho nhà báo Trần Mai Hạnh ngày 1/5/1975. |
“Giấy công tác đặc biệt” ghi cả số khẩu súng ngắn K54 mà tôi được cấp từ Hà Nội.Đó có lẽ là chiếc “thẻ nhà báo” đầu tiên được chính quyền cách mạng (Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định) cấp tại Sài Gòn trong buổi bình minh của lịch sử thành phố. Tổng biên tập Đào Tùng khi đó vừa là cố vấn cho Ban lãnh đạo TTXGP, ông đồng thời là Trợ lý cho Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Tôi may mắn được tháp tùng ông trong hơn 1 tháng đầu của Sài Gòn giải phóng trong hàng loạt các cuộc hội họp tiếp xúc với đủ các ngành giới, với Ủy ban Quân quản, với các cơ quan trong và ngoài quân đội. Với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp, với Thẻ nhà báo là Phóng viên của VNTTX, và đặc biệt với tờ Báo Nhân Dân số ra ngày 2/5/1975 có đăng bài tường thuật “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” ghi rõ tên tác giả, tôi dễ dàng tiếp xúc, tạo được niềm tin với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội trong việc tiếp cận, khai thác những tài liệu quý giá phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình.
Trong “Lời tác giả” cũng như trong phát biểu thay mặt các nhà văn được Giải Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam tại Lễ trao giải, ông có nói:"... Số phận cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tác giả…", và rằng: "Tôi đã viết nó cả trong những giờ phút đắng cay nhất của số phận". Ông có thể vui lòng chia sẻ thêm về điều này?Quá trình sưu tầm, tập hợp, đối chiếu, thẩm định những tài liệu nguyên bản và những tư liệu từ nhiều nguồn của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) ở cả trong nước và nước ngoài không ngờ mất một thời gian dài đến thế. Kho tư liệu đồ sộ tôi thu thập có rất nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật như: Biên bản các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia của Nguyễn Văn Thiệu; điện chỉ huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; thư từ điện văn của Tổng thống Mỹ Nixon và Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và văn bản trả lời của Nguyễn Văn Thiệu; các văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu; các báo cáo phân tích tình báo của quân đội Sài Gòn và đại sứ quán Mỹ; phúc trình của tướng lĩnh các quân khu, quân đoàn, sư đoàn trình bày chi tiết về diễn biến quá trình sụp đổ...
Năm 1981, gia đình tôi không may bị hỏa hoạn, căn hộ cấp 4 bị thiêu rụi, tài liệu tôi mất bao công sưu tầm bị cháy gần hết; tôi lại phải sưu tầm lại những tài liệu đó. Hơn 10 năm sau (1992) tôi lại bị tai nạn giao thông rất nặng, tưởng không qua khỏi. Khi tư liệu đã đầy đủ, tôi bắt tay vào xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mà mình ấp ủ, lúc đầu đặt tên là “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”. Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, vì một “tai nạn nghề nghiệp” tôi vướng vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại. Nhiều lúc tôi muốn buông bỏ, thậm chí muốn đốt tất cả những gì đã viết vì không sao có đựợc tâm trạng và hứng thú để tiếp tục. Mãi mười năm sau (2012), được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, tôi mới rỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng mới của tình hình, với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, quả cảm trước sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, không chen bất cứ nhận xét, bình luận gì của tác giả, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra. Cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tôi, cuối cùng, sau 39 năm đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật thẩm định và xuất bản vào cuối tháng 4/2014.
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là cuốn tiểu thuyết, tại sao ông lại chọn in ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật?Rất nhiều nhà xuất bản danh tiếng mà tôi từng mong ước được một lần in sách ở đấy. Nhưng vì “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được phục dựng từ những nguồn tư liệu, tài liệu nguyên bản, trong đó có rất nhiều tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến từ gần 40 năm trước của phía bên kia chiến tuyến (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) chưa từng công bố, nên nhất thiết phải có một nhà xuất bản uy tín, có thẩm quyền tiến hành thẩm định và xuất bản. Vì vậy, tôi đã gửi bản thảo “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” tới Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước. In một cuốn tiểu thuyết, có lẽ đó là trường hợp quá ngoại lệ của nhà xuất bản.
Được biết, tháng 4/2014 “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành. Tác phẩm đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Trong 2 năm tác phẩm đã được tái bản tới lần thứ ba với số lượng lớn. Ông có bất ngờ trước sự chào đón nồng nhiệt của độc giả và giải thưởng văn học danh giá ở trong nước và khu vực không?Tôi hoàn toàn bất ngờ, bởi tôi không có tham vọng thi thố văn chương. Tất nhiên tôi viết với niềm say mê văn chương, nhưng trước hết và quan trọng nhất tôi viết với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân với đất nước và trước những tư liệu lịch sử quý giá mà tôi có cơ may chứng kiến và cơ duyên tiếp cận được.
Nhà xuất Chính trị quốc gia - Sự thật vừa ấn hành “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Phiên bản tiếng Anh. Được biết đây là tác phẩm được Giải thưởng Văn học đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức dịch sang tiếng Anh và xuất bản từ trong nước để giới thiệu với bạn bè thế giới. Xin ông vui lòng chia sẻ đôi lời về phiên bản tiếng Anh kỳ này?Tại lễ trao "Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015" diễn ra ở Băng Cốc (Thái Lan) tháng 12/2015, phát biểu tại Lễ trao giải và tham luận của tôi tại Diễn đàn Văn học ASEAN cùng tóm lược một số chương cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được dịch sang tiếng Anh đã giành được sự quan tâm và dư luận rất tốt từ các nước. Ngày 4/1/2016, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có Quyết định số 01/QĐ-HNV về việc dịch “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” sang Anh ngữ " nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới".
Tác giả Trần Mai Hạnh phát biểu tại Băng Cốc (Thái Lan). |
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dầy hơn 500 trang, vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ) cùng những tư liệu tác giả viện dẫn trong cuốn sách gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đòi hỏi độ chính xác và tin cậy cao, nên việc dịch sang Anh ngữ có những khó khăn nhất định. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã tổ chức việc dịch thuật, hiệu đính để có được phiên bản tiếng Anh cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” tốt nhất (có thể), đảm bảo truyền tải trung thành nguyên tác tới bạn đọc bằng Anh ngữ cả về nội dung và phẩm chất văn chương của tác phẩm.
Bạn đọc quan tâm muốn biết thêm thông tin về dịch giả, công tác hiệu đính và bản in phiên bản tiếng Anh kỳ này?
Dịch “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” sang Anh ngữ là dịch giả Mạnh Chương. Ông là một chuyên gia ngôn ngữ học tiếng Anh từng giảng dạy và công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và Uỷ ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, từng được cử đi phiên dịch cho Đoàn Trung ương trong Uỷ ban Liên hiệp Quân sự 4 bên thi hành Hiệp định Pari đóng tại trại David, Tân Sơn Nhất, từng được cử đi biên dịch văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, từng làm chuyên gia tiếng Anh cho Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông và từng dịch nhiều cuốn tiểu thuyết Anh - Mỹ sang tiếng Việt cho các Nhà xuất bản Phụ Nữ, Lao Động, Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam. Cuốn sách được hiệu đính bởi Công ty dịch thuật Metro Writers gồm các chuyên gia ngôn ngữ có kinh nghiệm của Việt Nam và người nước ngoài.
Theo ông, việc dịch sang Anh ngữ cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có ý nghĩa gì?
Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 và Hội đồng đề cử Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam đã thống nhất với số phiếu bầu tuyệt đối trao Giải thưởng Văn học cho cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, với đánh giá: Cuốn sách đậm chất phóng sự khách quan và cũng đầy phẩm chất văn học độc đáo, dù chỉ tái hiện chân trời sụp đổ của một chế độ nhưng lại giúp người đọc hình dung đầy đủ hơn cái giá và tầm vóc của chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đồng thời gợi lên suy ngẫm phong phú về những điều ta quen gọi là “những bài học lịch sử”. Cuốn sách mang lại một gợi ý sáng giá cho dòng văn học viết về chiến tranh của chúng ta đương đại, gợi ý về sự dầy công nghiên cứu, khai thác khối di sản khổng lồ của một thời đại cách mạng "vô tiền khoáng hậu" đã làm nên kỷ nguyên của nước Việt Nam hiện đại ngày nay". Vì vậy, việc dịch sang Anh ngữ cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 để giới thiệu với bạn đọc trên thế giới, thực sự có ý nghĩa. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã từng phát biểu tại Hà Nội ngày 24/5/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, rằng: Những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới.
Mới đây, theo New York Times, cố vấn cấp cao của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, Steve Banno đã đề nghị các quan chức Nhà trắng đọc cuốn sách phân tích sai lầm của nước Mỹ dẫn đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ 20 để “nhận ra những lỗi lầm nhỏ (của lãnh đạo) có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai”.
Không chỉ bạn đọc các nước, mà bạn đọc trong nước có sử dụng tiếng Anh, đặc biệt sinh viên các trường đại học ngoại ngữ cũng có thể tìm thấy Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75- Phiên bản tiếng Anh sự hữu ích trong tham khảo dịch thuật cũng như sử dụng, viện dẫn bằng tiếng Anh những tài liệu, tư liệu lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những hy sinh to lớn với tinh thần quả cảm để có được nền hòa bình và thống nhất đất nước. Cuốn sách là quà tặng ý nghĩa của các cơ quan, đơn vị, cá nhân cho các đối tác và bạn bè quốc tế có thiện cảm và muốn tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh mà nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh.
Xin chân thành cám ơn ông về cuộc trò chuyện thân tình này!