Sáng 7/2/2015, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ trao “Giải thưởng văn học” cho các tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam năm 2014.Báo cáo tại buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban sáng tác cho biết: “Có gần 200 đề cử tham dự Giải thưởng văn học năm 2014 của Hội nhà văn Việt Nam. Sau quá trình lựa chọn cẩn thận, nghiêm túc của các hội đồng sơ khảo, chung khảo, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt nam đã quyết định trao giải thưởng cho 5 tác phẩm ở 4 thể loại.
Đó là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh (thể loại Văn xuôi); Trường ca ngắn, kịch thơ của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (Thơ); hai tập tiểu luận ‘Trăm năm trăm cõi...” của Giáo sư Phong Lê và “Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hình tượng” của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp (Lý luận Phê bình); tiểu thuyết dịch “Cuộc chiến đi qua” của Kanta Ibragimov do Đào Minh Hiệp dịch (Văn học dịch).
Đây là các tác phẩm xuất sắc, đầy tính nhân văn, được đầu tư công phu, thể hiện tâm huyết, sự sáng tạo của tác giả. Đặc biệt trong số đó, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh ấp ủ trong gần 40 năm, sử dụng những tư liệu chọn lọc, khoa học, kỹ lưỡng về con người, sự kiện lịch sử. Từ “hàng núi” tư liệu lịch sử, tác giả tái tạo nên một đời sống sinh động bao quanh những tư liệu lịch sử ấy, khiến các tư liệu trở nên sống động lạ thường. Dưới những lớp tư liệu đó là lòng trắc ẩn, tính nhân văn của một nhà văn. Ở đó ta có thể cảm nhận được sức nóng của một giai đoạn lịch sử. Đó là đóng góp về tiểu thuyết tư liệu rất mới mẻ...”.
Phóng viên VNTTX Trần Mai Hạnh (người đeo kính) và phóng viên TTXGP tại cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/4/1975.Ảnh: Tư Liệu |
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng các nhà văn được vinh danh Giải thưởng Văn học năm 2014. Ông dành những lời lẽ hết sức chân tình và tốt đẹp cho tác giả của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Ông nói: “...Trong những năm chiến tranh, Trần Mai Hạnh chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) ác liệt, và từ đó đã gửi về những bút ký, những bài báo rất sống động, rất có tiếng vang. Nhưng một thời gian dài Trần Mai Hạnh được cử làm báo và lãnh đạo báo chí. Bây giờ anh mới có có điều kiện trở về với văn chương. Không nói thì chúng ta đều biết, Trần Mai Hạnh đã gặp những tai nạn trong cuộc đời. Đó là điều không ai mong muốn. Nhưng Trần Mai Hạnh hôm nay đã nói rất xúc động, là mọi vui buồn trong cuộc đời rồi cuối cùng cũng sẽ trôi qua. Nhưng văn học, ngôi đình của văn học, ngôi đền thiêng của văn học mới là nơi trú ngụ của những ai có tài năng, có tâm huyết nhất với cuộc đời. Tôi hết sức xúc động chúc mừng anh Trần Mai Hạnh. Và với giải thưởng năm nay, tôi nghĩ rằng Trần Mai Hạnh vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của chúng ta, bên cạnh chúng ta, và hy vọng rằng Trần Mai Hạnh sẽ có những sáng tác mới tốt đẹp hơn”.
Chủ tịch HNVVN Hữu Thỉnh trao Bằng chứng nhận và tặng hoa nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.Ảnh: Lê Bích |
Được biết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm duy nhất ở thể loại văn xuôi được Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng văn học năm 2014” với số phiếu bầu tuyệt đối. Thay mặt các nhà văn được giải thưởng, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã phát biểu. Ông chính là Phó Tổng biên tập thường trực của Báo Tuần Tin tức (tiền thân của Báo Tin Tức) - Thông tấn xã Việt Nam từ những ngày đầu tiên khi báo mới thành lập, mà Tổng biên tập khi đó chính là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng. Chúc mừng nhà báo Trần Mai Hạnh, một trong những lãnh đạo đầu tiên của Báo Tuần Tin Tức được vinh danh giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đăng lại Lời phát biểu cảm động và hàm xúc của ông tại buổi lễ:
“Với niềm hạnh phúc, tôi xúc động bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định trao tặng "Giải thưởng văn học năm 2014" của Hội cho đứa con tinh thần của tôi - cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75".
Trong giờ phút đáng nhớ này, lòng biết ơn sâu sắc là điều tôi mong muốn được bày tỏ tới Thông tấn xã Việt Nam - mảnh đất đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành từ những năm tháng làm phóng viên chiến tranh trên các mặt trận, chiến trường, tới các đồng chí và các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận những tài liệu quý giá, cùng tình cảm và sự quan tâm của Nhà xuất bản chính trị Quốc gia-Sự thật đã dành cho tôi trong việc thẩm định và xuất bản tác phẩm này.
Số phận cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tác giả nên sau gần 40 năm mới ra mắt bạn đọc. Tôi đã viết nó cả trong những giờ phút đắng cay của số phận. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đến với tôi như giọt nước mát lành đến với con lạc đà đang nhẫn nại lầm lũi xuyên qua một sa mạc nóng bỏng hoang vắng. Nó như món quà của số phận, mang tới cho tôi niềm hạnh phúc, tin tưởng khát khao cùng năng lượng để tôi tiếp tục hoàn thành những trang sách mà mình ôm ấp với niềm say mê văn chương, với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút. Sự đón nhận với niềm cảm thông và lượng thứ của bạn đọc trước những thiếu sót không sao tránh khỏi, cùng tình cảm và sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí dành cho "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã mang đến cho tác giả niềm động viên, khích lệ.
Thế sự thăng trầm, nhân tình thế thái đổi thay rồi cũng qua đi, chỉ ngôi đền văn chương - nơi trú ngụ, gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi.”
P.V