Điều đặc biệt là tại Trường THCS Phú Lễ ( huyện Ba Tri) đã hình thành được các đội hát sắc bùa với sự tham gia của các học sinh.
Hát sắc bùa Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Đến những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ XX, thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay, ông Trần Văn Hậu (quê Bình Định) đã đem dạy cho dân Phú Lễ, huyện Ba Tri. Sau này, điệu hát sắc bùa ở Bình Định đã phát triển sang các xã khác như: Phước Tuy, Phú Ngãi, An Bình Tây (huyện Ba Tri), Tân Thanh (Giồng Trôm). Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, loại hình này có nguy cơ bị mai một.
Hướng dẫn cho các em học sinh tập hát sắc bùa Phú Lễ. |
Năm 2014, UBND xã Phú Lễ có kế hoạch khôi phục lại loại hình hát sắc bùa bằng việc thông qua trường THCS Phú Lễ thành lập một đội hát sắc bùa với sự tham gia của các học sinh khối lớp 6, 7 và 8. Đội hát sắc bùa do thầy Tổng Phụ trách đội hướng dẫn, nhằm kế thừa và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Với ý thức là những người con của vùng đất Phú Lễ, các học sinh vừa phấn đấu học tập văn hóa vừa tham gia giữ gìn loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê hương. Các em là thế hệ góp phần tuyên truyền lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc, không để “Diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ” bị mai một.
Trong đội hát sắc bùa, em Đào Thị Cẩm Tiên, lớp 7, Trường THCS Phú Lễ hát ở vị trí sanh tiền. Cẩm Tiên cho biết, hát ở vị trí sanh tiền khó nhất là ở khúc kéo sanh tiền vì kéo phải cho đúng nhịp, nếu trật nhịp bài hát sẽ không được hay. Tuy nhiên, Cẩm Tiên rất thích học hát sắc bùa vì hát sắc bùa là một loại hình diễn xướng mới lạ so với em.
Cẩm Tiên chia sẻ: Học hát sắc bùa rất khó, nên từ hè năm lớp 6 đến nay em mới hát được khoảng 10 bài, chủ yếu là các bài hát góp vui (hát sắc bùa Phú Lễ có hai phần là hát góp vui và hát nghi lễ). Lúc đầu hát khó vì lạ so với các thể loại nhạc mà em vẫn hay nghe nhưng khi tiếp xúc nhiều em lại thấy có những bài hát rất vui tươi. Cẩm Tiên thích hát nhất là bài Mở cửa rào. Hồ Phú Vinh, lớp 7, Trường Trung học Cơ sở Phú Lễ được các thầy giáo nhận xét là người dẫn dắt đội hát sắc bùa hay nhất từ trước đến nay. Phú Vinh hát ở vị trí ông bầu trống cơm.
Các em học sinh tập hát sắc bùa Phú Lễ ở sân trường. |
Ông bầu là người dẫn đầu bài hát, vừa đánh trống vừa hát. Vai trò của ông bầu rất quan trọng vì vừa là người bắt nhịp hát đầu tiên, dẫn dắt đội hát cho đúng nhịp... giúp cho bài hát hay hơn. Phú Vinh chia sẻ, để làm ông bầu hay, ngoài tập hát ở trường em còn tập hát ở nhà để luyện tập cho hay hơn và hòa mình vào bài hát. “Hát sắc bùa là loại hình truyền thống của ông cha ta từ xưa đến nay, con là con cháu của Phú Lễ nên con muốn học hát sắc bùa để tiếp nối truyền thống của ông cha để lại”, Phú Vinh bộc bạch.
Thầy Nguyễn Huỳnh Phương, giáo viên Tiếng Anh, Trường Trung học Cơ sở Phú Lễ cho biết: “Trước khi về Phú Lễ công tác, tôi có nghe nói về diễn xướng hát sắc bùa có nguy cơ bị mai một. UBND xã đã lập đội hát sắc bùa của người lớn. Lúc đó, tôi và một số học sinh của trường theo học để về trường triển khai lại cho các em khác”.
Từ kế hoạch khôi phục hát sắc bùa ở địa phương, Trường Trung học Cơ sở Phú Lễ căn cứ đưa vào hoạt động hàng năm của trường, nhất là chương trình công tác đội để tập hợp, bồi dưỡng nhân rộng các em tập loại hình này. Ban đầu chỉ có một đội 6 em, đến nay thành lập được ba đội gồm 21 em.
Hiện đội hát sắc bùa chỉ hoạt động ở phạm vi khối, sau này nếu có điều kiện sẽ tập hợp mỗi lớp một đội hát sắc bùa để hằng tháng tổ chức giao lưu, nhằm nhân rộng ra toàn trường. Thầy Huỳnh Kim Thái, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú Lễ cho biết, khi loại hình diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhà trường hi vọng các em sẽ là những thế hệ kế thừa và gìn giữ loại hình này.
Từ năm học 2014-2015 đến nay, Trường Trung học Cơ sở Phú Lễ đã tiếp thu và giữ gìn di sản văn hóa này. Hằng năm, trường đều tổ chức khóa học để truyền đạt lại cho đội ngũ kế thừa là học sinh vào các tháng hè (mỗi tuần 1 buổi). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kinh phí hạn chế và các em chưa được giao lưu thường xuyên. Các em chỉ có thể trình diễn vào những dịp cúng đình hoặc ngày lễ ở địa phương.
Ông Lư Văn Hội, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre cho biết, hát sắc bùa Phú Lễ là một trong sáu loại hình diễn xướng dân gian Bến Tre nhưng có tính mai một rất cao vì nghệ nhân lưu giữ hiện nay không còn trên thế gian. Trước đây trong quá trình thu thập tư liệu để lưu giữ loại hình này, các nghệ nhân hát, ông Lư Văn Hội nghe và tập hát theo, qua đó nắm bắt được cách hát và lối trình diễn trong các hình thức hát nghi lễ, hát góp vui.
Loại hình diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang giá trị truyền thống, có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc. “Chúng tôi nhận thấy, loại hình diễn xướng này cần phải gìn giữ và bảo tồn, lưu giữ loại hình nghệ thuật dân gian của quê hương Bến Tre cho các thế hệ sau”, ông Lư Văn Hội trăn trở.
Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre, để thế hệ sau kế thừa và lưu giữ loại hình diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ, tỉnh Bến Tre cần có chủ trương nhân rộng mô hình hát sắc bùa Phú Lễ ra các trường để các học sinh được biết và tập loại hình này. Để khuyến khích các em tham gia, các nhà trường nên tổ chức các buổi giao lưu, cuộc thi tìm hiểu về loại hình diễn xướng hát sắc bùa Phú Lễ.