Đờn ca tài tử và hành trình đến UNESCO - Bài 2: Hành trình của loại hình nghệ thuật độc đáo

Dòng chảy theo thời gian

ĐCTT vốn là thể loại ca nhạc thế tục phổ biến rất rộng rãi trong đời sống thường ngày của người dân trên đất Nam bộ. Chính bởi được sinh ra và được ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng dân mà thể loại này trở thành phương tiện để bộc lộ nỗi lòng của người dân và có sức phát triển vô cùng mãnh liệt. Ngay từ cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20, biết bao bài bản tài tử đã ra đời, khóc lên nỗi đau mất nước, cảnh mẹ mất con, vợ lìa chồng... như “Văn Thiên Tường” của ông Trần Văn Thọ để tưởng nhớ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân khi nhà yêu nước này bị thực dân Pháp giết hại tại Mỹ Tho; “Bát ngự” của ông Ba Đợi sáng tác nhân dịp Vua Thành Thái vào Sài Gòn để tỏ lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với quân vương - vì lòng tôn quân ái quốc; hay “Tứ bửu” của ông Nhạc Khị diễn tả nỗi thương tâm của con người sống trong cảnh nước mất nhà tan.

Theo tác giả Trần Phước Thuận, khi sáng tác bản “Ái tử kê” (sau thường gọi là “Ái tử kê Bạc Liêu”) trong bộ tứ đó, tác giả đã liên tưởng tới cái cảnh “chít chiu” của bầy gà con mất mẹ với cái cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình Huế đầu hàng giặc, bỏ mặc người dân bơ vơ đau khổ. Bản nhạc được đánh giá như “một nhạc phẩm tuyệt vời - điệu nhạc khi bổng khi trầm như oán như than, đã khắc họa được cái nỗi đoạn trường của người dân mất nước”...

Vì là tiếng lòng của người dân, cho nên trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, phong trào ĐCTT ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Từ các thành đô sầm uất cho tới tận những vùng hoang vu vắng vẻ nhất như Đồng Tháp Mười, rừng U Minh... Không chỉ xuất hiện ở những vùng miệt vườn sông nước, ĐCTT còn nở rộ giữa thành phố công nghiệp hiện đại như TP Hồ Chí Minh. CLB ĐCTT TP Hồ Chí Minh có mặt đông đủ các nghệ sĩ, nghệ nhân, soạn giả, danh cầm tên tuổi, vừa dạy, vừa làm cố vấn chuyên môn.

Đàn kìm, một trong bộ tứ (kìm - cò - tranh - độc) nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc khí của đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Đối với các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Tiền Giang, Hậu Giang... tuy không có những CLB nổi đình nổi đám như ở TP.HCM hay Bạc Liêu, nhưng tình cảm của những người dân dành cho loại hình nghệ thuật này cũng không thua kém bất cứ nơi đâu. Thành viên của các nhóm, các CLB ĐCTT rất đa dạng, phong phú như trí thức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên, tiểu thương, nông dân... ĐCTT trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân Nam bộ. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của phong trào ĐCTT mà không chỉ trình độ đờn ca của người nghệ nhân phát triển nhanh chóng mà trình độ thưởng thức âm nhạc của nhân dân cũng được nâng cao.

Ngoài 20 bản Tổ, còn phát triển thêm 8 bài Ngự, 10 bài Liên hoàn cùng vô vàn dị bản của chúng và rất nhiều bản mới do các nhạc sư, nghệ sỹ tài năng sáng tác, trong số đó có nhiều bản còn được lưu truyền cho tới nay. Theo ông Đặng Hoành Loan, đến nay có tới gần 300 bài ĐCTT, nhiều bài bản vẫn được truyền dạy ở các trường nghệ thuật, các lớp dạy tư của nghệ nhân, nghệ sỹ cả ba miền đất nước cũng như ở nước ngoài.

Hội tụ nhiều yếu tố

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đánh giá, âm nhạc của ĐCTT là nghệ thuật đỉnh cao trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ở đó hội tụ đầy đủ những yếu tố để tác thành một tác phẩm âm nhạc, trong đó có bài bản, có phương pháp diễn tấu, có đầy đủ các luật của âm nhạc cho tất cả các lối chơi. Từ đấy, ĐCTT xác định được cho âm nhạc Việt Nam khác với âm nhạc các nước, có những tính độc lập riêng. Nếu như âm nhạc phương Tây chỉ có 2 điệu thức là Trưởng và Thứ, thì ĐCTT của ta có 4 hơi để diễn tả hết tâm trạng của con người, đó là hơi Bắc, hơi Nam, hơi Nhạc và hơi Oán. Đó là 4 tính cách âm nhạc thể hiện tình cảm của con người, và để thể hiện được hết 4 tính cách âm nhạc ấy, người chơi ĐCTT phải tạo ra rất nhiều các ngón đàn khác nhau để thỏa mãn các hơi đó.

Một điểm độc đáo nữa trong ĐCTT là vai trò âm nhạc không lời lớn. Nếu như hát Xoan, hát Quan họ hay Ca trù đều gắn chặt với âm nhạc, không tách rời được, thì ĐCTT, nhạc và lời lại có thể tách ra rất dễ dàng. Hát riêng cũng được, đờn riêng cũng được. Và nếu như với các nghệ thuật khác, từ lời bẻ thành điệu thì ĐCTT có nhạc trước, rồi dựa trên nhạc mới viết lời, chính vì vậy mà trong ĐCTT gọi là đờn ca vì bản thân nó từ xưa là nhạc đàn có trước, lời ca có sau. Khi tách nhạc ra gọi là hòa đờn, khi người ta hòa đờn với ca thì người ta gọi là hòa ca. Và giá trị âm nhạc của ĐCTT cao ở chỗ nó có thể trở thành một bản nhạc không lời mà các môn nghệ thuật chúng ta đã đề xuất trước đó không có.

Những năm đầu thế kỷ 20, ĐCTT phải đối mặt với hàng loạt thách thức, sự xuất hiện của tân nhạc (nhạc mới) Việt Nam, những trào lưu văn hóa nghệ thuật Âu Mỹ như Italia, Pháp, Tây Ban Nha... đổ vào Sài Gòn, xâm nhập và ảnh hưởng không nhỏ tới tập quán, lối sống, thị hiếu... của người dân, nhiều trường nhạc được mở ra. Song, bất chấp tất cả, ĐCTT vẫn thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển, nhưng kiên cường gìn giữ bản sắc của mình.

Không chỉ đứng vững, mà ĐCTT còn làm được một điều hết sức đáng khâm phục, đó là Việt hóa được một số nhạc cụ phương Tây như đàn ghi ta, măngđôlin, viôlông, bắt những nhạc cụ phương Tây nói giọng nhạc Việt Nam, mà theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, đến nay, trong lịch sử âm nhạc của Việt Nam chỉ có ĐCTT mới làm được điều này, vì cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa Việt hóa được nhạc cụ nào ngoài những nhạc cụ mà ĐCTT đã làm được. Đây là một sáng tạo rất lớn của cha ông ta khi xưa.

Phương Lan

Bài cuối: Vươn tầm thế giới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN