Một số bảo tàng còn tận dụng số tiền bán tranh để đa dạng hóa các bộ sưu tập, song nhiều nhà phê bình cho rằng việc làm này đi ngược lại sứ mệnh của các bảo tàng là nhằm gìn giữ và bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật để công chúng chiêm ngưỡng.
Thông thường, các bảo tàng ở Mỹ chỉ có thể bán các tác phẩm, một cách thức xử lý các hiện vật hay tác phẩm không còn phù hợp, để mua lại những tác phẩm khác. Tuy nhiên, từ tháng 4 năm ngoái, Hiệp hội Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật (AAMD) dỡ bỏ lệnh cấm trong 2 năm, theo đó cho phép các bảo tàng bù đắp những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra. Một số bảo tàng đã nắm bắt cơ hội này để đổi mới và đa dạng hóa những bộ sưu tập của mình, song một số khác đã phải thay đổi kế hoạch sau khi vấp phải sự phản đối của cộng đồng địa phương.
Việc bán các tác phẩm nghệ thuật là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Nhìn chung, các bảo tàng ở các nước có chung văn hóa Anglo-Saxon đã "bật đèn xanh" cho việc bán các tác phẩm nghệ thuật một cách có kiểm soát, trong khi các bảo tàng ở các quốc gia có nền văn hóa Latinh phản đối điều này. Tại Mỹ, tháng 9 năm ngoái, bảo tàng Brooklyn, vốn đã gặp khó khăn tài chính trước khi đại dịch ập đến, đã rao bán 12 tác phẩm, trong đó có các tác phẩm của hai họa sĩ người pháp Claude Monet và Jean Dubuffet, để có ngân sách duy trì bộ sưu tập của mình.
Đầu năm nay, ông Max Hollein, Giám đốc Bảo tàng Metropolitan của New York, ngụ ý rằng số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm sẽ được dùng để trang trải các chi phí liên quan tới việc chăm sóc bộ sưu tập như tiền lương của đội ngũ nhân viên. Ông Hollein cũng cho rằng phương án này chỉ mang tính tạm thời.
Ở bang Maryland, Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore hy vọng huy động được 65 triệu USD bằng cách bán 3 tác phẩm nghệ thuật lớn nhằm tạo ra một quỹ bảo tồn cho bảo tàng. Tuy nhiên, đối mặt với sự chỉ trích, bảo tàng đã hủy bỏ kế hoạch, thay vào đó huy động quỹ thông qua các khoản đóng góp tự nguyện. Luật sư Laurence Eisenstein, người phát động một cuộc biểu tình phản đối các quan chức Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore, nhấn mạnh: "Thật đáng lo ngại nếu các tác phẩm nghệ thuật trên các bức tường bị biến thành tài sản tài chính".
Hầu hết các viện bảo tàng đều từ chối nói lời "chia tay" những tác phẩm quan trọng nhất của họ, tin rằng nhiệm vụ của họ là bảo tồn các công trình nghệ thuật trọng yếu. Bảo tàng Metropolitan chủ yếu bán các tác phẩm vốn đã được chủ nhân sao chép trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, các viện bảo tàng kém tiếng tăm hơn lại có hành động táo bạo hơn. Tháng 10 năm ngoái, bảo tàng nghệ thuật Everson ở Syracuse, New York, đã bán một bức tranh của họa sĩ Mỹ Jackson Pollock với giá 12 triệu USD.
Bảo tàng này đã sử dụng số tiền trên để đa dạng hóa bộ sưu tập của mình nhưng đã vấp phải sự giận dữ của dư luận. Nhà báo Terry Teachout của tờ Wall Street Journal cho rằng bảo tàng đang "bán đi linh hồn của chính mình" và mục đích gây quỹ nhằm đa dạng hóa bộ sưu tập chỉ là "cái cớ để phản bội niềm tin của công chúng". Về phần mình, luật sư Eisenstein lo ngại các nhà tài trợ và chính quyền sẽ rút khoản tiền hỗ trợ cho các bảo tàng bán nhiều tác phẩm. Ông nhấn mạnh tại thời điểm này, "rất khó để các bảo tàng trở thành 'người bảo vệ' đáng tin cậy của các tài sản văn hóa tại Mỹ".
Trong tác động chung đến xã hội, lĩnh vực văn hóa nói chung và hệ thống các bảo tàng trên thế giới nói riêng đã chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID-19. Trong năm ngoái, các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 đã buộc các bảo tàng ở nhiều nước phải tạm dừng đón khách, thậm chí có thể không bao giờ mở cửa trở lại. Theo kết quả một cuộc khảo sát do Hội đồng Bảo tàng quốc tế thực hiện hồi tháng 6 năm ngoái với gần 1.600 bảo tàng tại 107 quốc gia trên thế giới, hơn 10% bảo tàng có nguy cơ không thể mở cửa trở lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nguyên nhân là do các bảo tàng này không có đủ kinh phí duy trì hoạt động vì phải đóng cửa suốt nhiều tháng qua trong khi các nguồn hỗ trợ từ chính phủ hoặc các nhà tài trợ cũng bị cắt giảm đáng kể.