Ngày Sân khấu Việt Nam đã được Ban Bí thư đồng ý và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận theo văn bản số 13/QĐ - TTg ngày 4 tháng 1 năm 2011. Đây cũng chính là là ngày Giỗ tổ sân khấu truyền thống Việt Nam lâu nay (ngày 12/8 âm lịch hàng năm). “Ngày Sân khấu Việt Nam là thời điểm quan trọng để các nghệ sĩ sân khấu hướng tâm về với Tổ nghiệp, cùng nhau đoàn kết sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao để phục vụ khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”, NSND Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK chia sẻ.
Giới thiệu về ngày sân khấu Việt Nam và Liên hoan Tuồng Tống Phước Phổ. |
Năm nay, “Ngày Sân khấu Việt Nam” và “Lễ giỗ tổ ngành Sân khấu” sẽ diễn ra sáng ngày 20/9, tại Hà Nội, với các hoạt động như chương trình nghệ thuật “trình Tổ” chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam của các nghệ sĩ cả nước; lễ công bố và trao các Giải thưởng nghệ thuật năm 2014 - 2015. Bên cạnh đó là hoạt động tôn vinh các NSND, NSƯT, nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT - những người đến nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” (70 - 90 tuổi).
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ trao bằng chứng nhận kèm theo tiền thưởng cho vở diễn xuất sắc tiêu biểu, diễn viên đạt giải Vàng, Bạc (cả chuyên nghiệp và không chuyên). |
Không chỉ dừng ở một lễ kỷ niệm, một hoạt động được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, như một nén “tâm nhang” dâng Tổ nghề đợt này, đó chính là và “Liên hoan các tác phẩm của tác giả Tống Phước Phổ”, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 24/9 - 4/10/2015. Hoạt động này cũng diễn ra đúng dịp kỷ niệm 24 năm ngày mất của tác giả tuồng nổi tiếng, đã giành giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt I do Nhà nước trao tặng năm 1996.
Trong khuôn khổ Liên hoan, lễ kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam và lễ giỗ tổ ngành Sân khấu sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/9, được truyền hình trực tiếp, với sự tham gia của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu, các đoàn tham gia Liên hoan tại rạp 155 Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Tiếp sau đó, lúc 20 giờ 30, vở diễn “Trưng Vương” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ được biểu diễn, mở màn cho Liên hoan.
“Liên hoan ‘Tác phẩm Sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ’ là dịp để một lần nữa giới sân khấu ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn vì sự phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam đương đại của ông - một cây bút xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh mà ông đã được Nhà nước trao tặng”, NSND Lê Chức cho biết.
Có 20 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan, gồm 6 đơn vị chuyên nghiệp và 14 đơn vị không chuyên, với 23 vở diễn dài, ngắn được dàn dựng từ kịch bản sáng tác, hiệu đính, chỉnh sửa nâng cao của tác giả Tống Phước Phổ như: Vở diễn “Tam Hạ Nam Đường” (CLB Ánh Dương, Bình Định), “Sơn Hậu” (CLB phường Đồng Nguyên, Bắc Ninh), “An Tư Công chúa” (Nhà hát Tuồng VN), “Lã Bố hý Điêu Thuyền” (đoàn Tuồng Sông Thu, Quảng Nam), “Bao Công tra án Quách Hòe” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Tuồng Khánh Hòa), “Sao Khuê trời Việt” (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), “Thoại Khanh, Châu Tuấn” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), “Lâm Sanh - Xuân Nương” và “Ngô Vương Quyền” (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế)...
Song song với các buổi diễn dự thi, một số đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan sẽ đi diễn phục vụ nhân dân tại một số địa bàn của thành phố Đà Nẵng nhằm quảng bá những giá trị nghệ thuật của sân khấu Tuồng. Đây cũng là dịp các đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp và không chuyên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu để phục vụ khán giả tốt hơn.
Nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ (1902 - 1991), sinh ra tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Mảnh đất có bề dày văn hóa dân tộc, trung dũng, kiên cường đã sản sinh, nuôi dưỡng tâm hồn ông trở thành “Cây đại thụ của ngành Tuồng” - ngôi sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật dân tộc với sự nghiệp sân khấu đồ sộ. Ông là người sáng tác chủ lực của ngành Tuồng, ngời sáng những phẩm chất đáng quý: Một tâm hồn nhân hậu, tận tâm với nghề và tha thiết với quê hương, đất nước; một con người tài năng trên cả hai lĩnh vực: soạn tuồng và làm thơ, góp phần rất lớn cho sự phát triển của nghệ thuật dân tộc. Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề soạn Tuồng, thành công của tác giả Tống Phước Phổ trong giai đoạn đầu và cả sau này là những sáng tác về đề tài lịch sử, và có thể gọi Ông là nhà viết Tuồng lịch sử chuyên nghiệp. Số kịch bản Tuồng của Ông đã tới ngót trăm, nếu kể cả hệ thống Tuồng tiểu thuyết Ông viết chuyển thể từ các truyện Trung Quốc, các tiểu thuyết lãng mạn. Vốn nghề phong phú với bút pháp điêu luyện và kinh nghiệm viết Tuồng lâu năm, những tác phẩm của Ông thấm đẫm nội dung giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, cũng chính ông là người đã đưa yếu tố kịch phương Tây vào Tuồng, khiến cho các vở diễn sáng rõ, mang tính kịch nhiều hơn. Đây cũng chính là một đóng góp lớn của ông.