Tuồng Phú Mẫn trước nguy cơ thất truyền

Đoàn tuồng Phú Mẫn ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) vốn nổi tiếng là một trong những cái nôi tuồng cổ. Với truyền thống hàng trăm năm, nơi đây đã sản sinh ra nhiều lớp nghệ sĩ cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ thuật tuồng nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ thất truyền.


Một thời vang bóng


Nhớ lại thời kỳ phát triển thịnh nhất của đoàn tuồng, ông Nguyễn Tài Hỷ (78 tuổi), là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống hát tuồng, người đã có hơn 60 năm gắn bó với đoàn tuồng Phú Mẫn, làng Phú Mẫn, thị trấn Chờ cho biết: Vào những năm 1959 - 1960, đoàn tuồng thu hút hơn 60 diễn viên, nhạc công, từng đi biểu diễn khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang… trong các cửa đình, lễ hội và phục vụ du khách thập phương.

 

Một vở do đoàn tuồng Phú Mẫn thực hiện.

 

Mỗi khi đi biểu diễn, có kinh phí cả đoàn lại tự nguyện cho vào quỹ chung để mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn. Khi đó, hầu hết các gia đình, dòng họ ở Phú Mẫn đều có người biết hát tuồng. Nhiều gia đình có từ 4 đến 5 thế hệ làm diễn viên tuồng, trong đó có nhiều người trở thành những diễn viên chuyên nghiệp. Trên đất Phú Mẫn người dân dù ở nhà hay ra ngoài đồng vẫn râm ran tiếng hát. Đến mùa vụ, người dân nơi đây tranh thủ ngày đi làm, tối về tập luyện, biểu diễn. Khi đất nước chiến tranh, người Phú Mẫn mang lời ca, tiếng hát của mình đi khắp nơi, kể cả đến các chiến trường cổ vũ, phục vụ chiến đấu.


Từng là ông trùm đoàn tuồng Phú Mẫn ngày trước, ông Nguyễn Tài Hỷ tự hào cho biết: “Từ năm 1959 đến nay, Phú Mẫn đào tạo cho nhà hát Tuồng Việt Nam hàng chục diễn viên, nghệ sỹ, thậm chí các trưởng đoàn, nhạc công tuồng nổi tiếng... Đoàn tuồng Phú Mẫn hoạt động khá chuyên nghiệp, với đầy đủ các ban phụ trách chuyên môn, đạo diễn, dàn nhạc, hóa trang riêng… Đặc biệt, những diễn viên không chuyên này có khả năng biểu diễn thành thạo cả hai loại tuồng Bắc và tuồng Nam và có thể tự dàn dựng được hàng chục vở tuồng cổ”.


Bà Nguyễn Thị Bình, 70 tuổi là diễn viên đoàn tuồng Phú Mẫn tâm sự: Tham gia đoàn tuồng từ năm 13 tuổi và là diễn viên chính trong mỗi buổi biểu diễn, bà thường diễn xuất khá thành công vai Chiêu Quân trong vở "Chiêu Quân cống Hồ",Trưng Nhị trong vở "Trưng nữ vương"... Lúc đó, người dân còn say mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này, mỗi buổi tối đi diễn, đoàn tuồng mỗi người một việc, gồng gánh trang phục, nhạc cụ đi hàng chục cây số biểu diễn khắp nơi, ai nấy đều hừng hực khí thế, chỉ cần nghe những lời tán thưởng của khán giả là quên hết mệt mỏi. Có khi đang mang bầu chỉ cần đoàn có lịch biểu diễn bà lại xung phong đi đầu tiên.


Nỗ lực cứu tuồng


Những người say mê tuồng cổ xưa đã hóa thân vào từng vai diễn và đưa tuồng Phú Mẫn đi khắp nơi. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây những buổi biểu diễn của đoàn tuồng Phú Mẫn ngày một thưa vắng, sự quan tâm của công chúng đối với nghệ thuật tuồng cũng chẳng còn mặn mà như xưa, đoàn tuồng cũng từ đó không còn hăng say tập luyện như trước nữa. Ông Nguyễn Đức Tý, 62 tuổi, Trưởng đoàn tuồng Phú Mẫn cho biết: Do không thường xuyên đi biểu diễn, kinh phí hoạt động đều do những thành viên trong đoàn đóng góp, đến nay, đoàn tuồng chỉ tập luyện một số buổi tối từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm để chuẩn bị biểu diễn miễn phí phục vụ bà con ngày lệ làng vào đầu năm mới.


Hiện nay, đoàn tuồng Phú Mẫn có 30 nghệ sĩ, diễn viên nhưng phần lớn có tuổi đời từ 60 - 88, không có diễn viên nào từ 45 tuổi trở xuống. Không muốn để tuồng Phú Mẫn bị quên lãng, các diễn viên trong đoàn tuồng rất muốn được truyền nghề lại cho thế hệ trẻ, song bao năm nay, họ vẫn không tìm được người yêu thích nghệ thuật tuồng để truyền nghề.


Chia sẻ những khó khăn này, ông Lê Tài Hỷ cho biết: Nghệ thuật tuồng kén chọn cả người biểu diễn và người thưởng thức. Khi biểu diễn, mỗi diễn viên đều phải tự mình hóa thân vào từng nhân vật với từng cử chỉ, hành động phù hợp. Một người có năng khiếu muốn học thành nghề cũng phải mất 3 năm. Người thưởng thức được cái hay, cái đẹp của mỗi vở tuồng phải là những người hiểu về nghệ thuật và nội dung từng vở. Trong khi đó, lớp trẻ hầu như không quan tâm đến nghệ thuật tuồng, đội ngũ nhạc công, diễn viên trong làng có thể biểu diễn thành thạo tuồng ngày một ít. Điều này khiến cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng ngày càng khó khăn.


Ông Nguyễn Đức Tý cho biết, trong Liên hoan đàn, hát dân ca tỉnh Bắc Ninh lần thứ III vừa rồi, đoàn tuồng Phú Mẫn đã nhận được 3 giải vàng. Điều này đã chứng tỏ nỗ lực của đoàn tuồng Phú Mẫn. Mới đây, chính quyền thôn đã bàn giao nhà truyền thống cho đoàn tuồng để lưu giữ lịch sử phát triển của đoàn tuồng, đồng thời lấy đó làm nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong đoàn. Ông Nguyễn Đức Tý hy vọng, thông qua không gian truyền thống này, các cháu nhỏ trong thôn có thể tìm hiểu, biết được rằng lịch sử địa phương đã từng có một đoàn tuồng nổi tiếng khắp vùng mà tiếp tục duy trì sự tồn tại của nó trong những giai đoạn tiếp theo.


Bài và ảnh: Thanh Thương

Tìm lại đất diễn cho tuồng
Tìm lại đất diễn cho tuồng

Trong cái khó chung mà các ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống vấp phải do tác động của cơ chế thị trường, thì sân khấu tuồng xem ra còn chịu cái “khó riêng” do không phải có nhiều người hiểu và yêu được bộ môn nghệ thuật bác học này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN