Đó là những nỗi niềm dâu bể của thi sĩ Hoàng Cầm, là những hoài niệm tuổi thơ của nhạc sỹ Trần Tiến, là những kí ức thời chiến của lão họa sỹ Phan Kế An. Đó cũng là câu chuyện về ca nương bậc thầy của ca trù - NSƯT Phó Thị Kim Đức, là nghệ sĩ Chu Lượng đắm đuối với tình yêu rối nước, là nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền say sưa với âm vang cồng chiêng Tây Nguyên.
Rồi một con đò không ngừng trôi Lệ Ngải - người cả đời lưu giữ, truyền dạy quan họ, hay một “lát cắt” về Trung Hiếu, một Tống Toàn Thắng ưa mạo hiểm, một mảnh tình quan họ của anh Hai Trường, một Đại đức mê hát chèo Thích Trường Xuân, một chỉ đạo Khắc Huề... 30 bài ký, là 30 bức chân dung về 30 nhân vật, với những băn khoăn, trăn trở khác nhau về chuyện đời, chuyện nghề. Trong số đó, có nhiều người đã nổi danh, ghi dấu ấn trong cộng đồng, nhưng cũng có những người vẫn lặng lẽ, âm thầm cống hiến tình yêu của mình cho văn hóa nghệ thuật bằng cách riêng của mình...
Nhưng khi các nhân vật cùng gặp gỡ nhau trong “Tiếng hạc trong trăng”, đã giúp cho người đọc thêm hiểu, thêm yêu mến những tâm hồn hết lòng vì sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tác giả tuyển tập ký chân dung “Tiếng hạc trong trăng” là nhà báo, nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng, sinh năm 1980, hiện công tác tại Ban Thời Nay - báo Nhân Dân. Anh đã cho ra đời nhiều cuốn sách như tập tản văn “Năm tháng mặt người”, tuyển tập thơ "Vườn ánh sáng", "Mùa vu lan", "Lòng ta chùa chiền", "Chia ngũ cốc"...