Về Phú Thọ những ngày tháng Giêng, tháng Hai, ai ai cũng được hòa mình vào không khí tưng bừng và náo nức của những lễ hội mang sắc màu riêng của vùng đất này…
Gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ giống như một mạch nguồn chảy mãi trong tâm thức người Việt. Cũng vì thế mà sau Tết Nguyên đán ở nhiều địa phương trong tỉnh, những lễ hội được người dân các làng, các xã tổ chức nhằm tri ân công đức của tổ tiên, của vua Hùng và các tướng lĩnh đã có công “khai sơn phá thạch”, dẹp yên bờ cõi, dạy dân trồng lúa ươm tơ.
Dâng lễ lên Thành hoàng làng. |
Mở đầu cho mùa lễ hội ở vùng Đất Tổ là lễ hội hát Xoan của làng Kim Đức và làng xoan An Thái thành phố Việt Trì từ mùng 2 Tết. Hoạt động này là sự tri ân công đức của vua Hùng cùng việc cất lên câu ca di sản vào ngày xuân. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, nhân dân xã Hiền Lương (Hạ Hòa) tưng bừng khai hội đền Mẫu Âu Cơ, người Mẹ của muôn dân đất Việt, người đã cùng 50 người con lên núi khai phá sơn hà, người được mệnh danh là “Đệ nhất Tiên Thiên công chúa”.
Sáng mùng bảy tháng Giêng, tiết trời ấm áp, Hiền Lương như dậy lên không khí của huyền thoại từ thuở xưa. Cờ xí rợp trời, trống chiêng vang lừng, hương trầm lan tỏa khắp nơi, dải lụa đào hồng tung bay trên ngọn đa, người người tụ về bên gốc đa và ngôi đền thiêng để mở hội. Cùng ngày là lễ hội đền Chu Hưng xã Ấm Hạ (Hạ Hòa, nơi thờ Côn Nhạc Đại vương, vị tướng thời Hùng Vương có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. 9 làng của xã cùng chuẩn bị lễ vật để dâng lên Côn Nhạc Đại vương để tri ân công đức của ngài. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như đánh cờ, kéo co, bắn nỏ, chọi gà được tổ chức trong lễ hội.
Trong tháng Giêng, tháng Hai và đến hết tháng 3 âm lịch, miền quê Phú Thọ rộn rã ngày hội làng. Đó là các lễ hội: Lễ hội ném chài, lễ hội Hạ Điền của người Mường ở Thu Cúc, lễ hội đền Du Yến xã Chí Tiên, lễ hội đền Lăng Sương, lễ hội rước ngựa làng ở xã Hiền Đa, lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, lễ hội đền Hùng giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội đền Nghè xã Văn Lang… Điểm chung của các lễ hội này là đều khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhắc lại cho con cháu nghe về những truyền thuyết, những tích liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương.
Tuy có nhiều lễ hội diễn ra trong một thời điểm nhưng lễ hội ở mỗi địa phương lại có một sắc màu riêng và cách thức tổ chức khác nhau. Mỗi lễ hội đều mang lời ăn tiếng nói của cư dân nông nghiệp ở mỗi vùng. Lễ vật dâng lên trong lễ hội đều là những sản vật được làm ra từ chính đời sống nông nghiệp của cư dân quanh vùng như lợn quay, gà tía, rượu mọng, chè lam, bánh chưng bánh dày, xôi nếp, bánh khảo…
Gắn với tín ngưỡng phồn thực
Bên cạnh những lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ở Phú Thọ, còn có những lễ hội gắn liền với quan niệm của người dân Đất Tổ về sự phồn thực, sinh sôi. Những lễ hội này thường diễn ra vào ban đêm và gắn với việc giữ gìn và thờ tự linh vật - sinh khí của nam và nữ. Điển hình trong quan niệm này là lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã huyện Lâm Thao. Người dân quanh vùng có câu ca: “Trò Trám vào đám mười hai/Chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân”. Đây là lễ hội gắn với tín ngưỡng phồn thực cổ xưa nhất của người Việt trên vùng Đất Tổ, còn gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc”. Lễ hội được diễn ra vào đêm ngày 11 tháng Giêng và kết thúc vào ngày 12.
Người dân duy trì “lễ mật” gắn với âm thanh phát ra từ ông thủ từ “linh tinh tình phộc”. Lễ mật diễn ra lúc sang canh, thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau khi các bậc cao niên làm lễ tế miếu, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính: nam, cởi trần, đóng khố cầm Nõ - tượng trưng cho sinh thực khí nam; nữ, mặc váy, đeo yếm đào cầm Nường - tượng trưng cho sinh thực khí nữ, làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Ba lần đâm trúng thì trong cả năm đó dân làng được may mắn, mùa màng tươi tốt. Còn nếu đâm trúng hai lần thì năm đó mùa màng bị thất bát, dân làng gặp rủi ro.
Người dân trong làng thức trắng đêm để xem và chứng kiến phút giao hòa giữa âm và dương, giữa đực và cái, giữa trời và đất. Khi ông chủ tế nghe cạch đủ ba tiếng đèn sáng lại. Đó là giây phút linh thiêng nhất nên người ta đánh trống chiêng để làm cho không gian thêm rộn rã. Chủ tế dẫn đầu đám trò chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng, vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ.
Người dân ở các địa phương khác còn tổ chức các lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt như lễ hội gọi vía lúa của người Mường xã Thu Cúc (Tân Sơn), lễ hội nấu cơm thi, ném cầu, hát Ghẹo, lễ hội rước voi nấu cơm thi đình Đào Xá…
Về Đất Tổ những ngày tháng Giêng, không khí ở các làng quê rộn rã, lòng người phấn chấn náo nức, người dân nô nức đi xem hội. Và trong tâm thức của mỗi người dân Phú Thọ, ai ai cũng tâm niệm, hội làng là sự thể hiện những ước mơ cao đẹp của họ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng