Ngay từ ngày đầu tháng 8 âm lịch, nhiều hoạt động vui Tết Trung thu diễn ra rộn ràng ở nhiều nơi.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình "Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu". Tại đây, các em nhỏ tự sáng tạo những chiếc mặt nạ rực rỡ sắc màu. Chương trình kéo dài tới cuối tháng 9.
Phố cổ Hà Nội rực rỡ mùa Trung thu 2015. |
Từ nhiều năm nay, Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội được coi là “đặc sản” của Hà Nội vào mỗi dịp Tết Trung thu, là nét văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên với nhiều hoạt động vui chơi thiết thực, phong phú và cũng đậm màu sắc truyền thống. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của người Hà Nội và rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Mùa Trung thu 2015, tại khu phố cổ Hà Nội, dọc các tuyến phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Giấy và nhiều điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi được đồng loạt tổ chức. Đại diện Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, cho biết: “Đây là hoạt động thiết thực nằm trong đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm” do UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện, nhằm góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa quốc gia của khu phố cổ Hà Nội”.
Trước cửa chợ Đồng Xuân, nhiều hoạt động phong phú liên tiếp diễn ra như Liên hoan múa lân, sư tử với sự tham gia của các đội múa thuộc các phường trong khu phố cổ. Các gian hàng, quầy trưng bày giới thiệu các sản phẩm truyền thống của Tết Trung thu được bày biện. Thiếu nhi được hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian truyền thống của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung, trình diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ thiếu nhi, trao quà cho những trẻ em nghèo vượt khó… 9 giờ 30 ngày 26/9 (tức ngày 14/8 âm lịch), sẽ diễn ra Đêm hội Rằm trung thu phố cổ với hoạt động thi bày cỗ Trung thu, thi rước đèn, vui phá cỗ trông trăng, các trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, võ thuật dành cho thiếu nhi.
Từ ngày 18 - 26/9, tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây tổ chức các hoạt động vui Trung thu được tổ chức, trưng bày, giới thiệu hình ảnh về vui Trung thu tại khu phố cổ Hà Nội; tổ chức hướng dẫn làm các đồ chơi dân gian như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông đánh gậy, diều, tò he, mặt nạ…
Mùa Trung thu 2015, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Sắc màu văn hóa Cần Thơ” vào hai ngày 26 và 27/9 (tức ngày 14 và 15/8 âm lịch). Hơn 30 nghệ nhân là người Khơme, Hoa, Kinh đến từ Cần Thơ sẽ có mặt tại Bảo tàng Dân tộc học, tham gia như trình diễn múa hát dân gian của người Khơme (múa hát dù kê, múa lâm thôn, Sari ca keo); tổ chức tìm hiểu về ẩm thực, trò chơi dân gian ở Cần Thơ, giao lưu với nghệ nhân làm bánh tét Mười Xiềm... Các hoạt động này nhằm giới thiệu với các em nhỏ những sắc màu văn hóa vùng sông nước Cần Thơ. Các nghệ nhân dân gian cũng sẽ trình diễn và hướng dẫn các em nhỏ làm đồ chơi truyền thống như vẽ mặt nạ, làm chong chóng, làm đầu lân, làm trống bỏi; nặn tò he, hoa quả bằng bột, tàu thủy sắt tây, con giống chuyển động… làm tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn Trung thu hình sao, ông sư, đèn con thỏ, đèn kéo quân… Tổ chức hướng dẫn làm bánh dẻo, làm cốm Vòng, cắt tỉa hoa và bày mâm cỗ Trung thu…
Bên cạnh đó, các em nhỏ sẽ được nghe kể chuyện sự tích Tết Trung thu, được hướng dẫn tô vẽ và ghép tranh Trung thu. Nhiều trò chơi dân gian như đi goòng, chơi chuyền, gắp cua bỏ giỏ, đánh chắt, nhảy bao bố, đi cà kheo bỏ đũa vào chai, khỉ nhập, gánh lúa qua cầu, đánh cờ (Khơme), cướp cờ, kéo co, thả đỉa ba ba, đá gà, cướp cột, nhảy lò cò…
Năm 2015 cũng là năm đầu tiên, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức “Lễ hội Trung thu 2015” với nhiều hoạt động hấp dẫn. Trong đó có chương trình “Bé làm mặt nạ truyền thống” diễn ra vào ngày 20/9. Ban tổ chức sẽ cung cấp nguyên vật liệu làm mặt nạ (gồm bột sắn làm hồ dán, khuôn, giấy, màu vẽ hoặc sơn), đồng thời hướng dẫn các em nhỏ tự tạo cho mình một một chiếc mặt nạ cứng cáp, với đủ màu sắc tươi sáng, ngộ nghĩnh. Chương trình còn có nhiều hoạt động, hình thức trưng bày đón trăng theo nghi thức truyền thống của cha ông. Đặc biệt, vào ngày 26/9/2015 (tức ngày 14/8 âm lịch), các em nhỏ sẽ được tham gia chương trình “Rước trăng chơi phố”, đưa các em nhỏ hòa mình vào với lễ rước trăng Trung thu truyền thống, làm các đồ chơi dân gian, và đặc biệt là tham gia cuộc thi đốt hạt bưởi đón trăng.
Không chỉ riêng Hà Nội, hầu hết các địa phương đều chủ động tổ chức vui Tết Trung thu 2015 phục vụ các cháu nhỏ.
Tại tỉnh Tuyên Quang, Đêm hội thành Tuyên, một lễ hội rước đèn Trung thu khổng lồ, độc đáo, mang “thương hiệu” riêng của Tuyên Quang sẽ diễn ra đêm 14/8 âm lịch. Từ tấm lòng yêu trẻ, người dân các khu phố quyên góp và dựng những mô hình lồng đèn khổng lồ, mô phỏng nội dung những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn hoặc những nhân vật lịch sử rước trong những đêm trăng tháng tám. Lễ hội thành Tuyên hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn vào mùa Trung thu năm nay.
Tại TP Hồ Chí Minh, các hoạt động vui Trung thu cũng diễn ra ở nhiều nơi. Tại nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh (36 Lê Quý Đôn, quận 3) diễn ra nhiều hoạt động Trung thu như thi thả lồng đèn trên mặt nước, thi bày cỗ và cắm hoa, biểu diễn bắn tên lửa nước… Rạp xiếc Công viên 23/9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) trình diễn nhiều vở kịch, nhiều tiết mục xiếc hay. Công viên văn hóa Đầm Sen (số 3 Hòa Bình, phường 3, quận 11) tổ chức cuộc thi thiết kế và trang trí lồng đèn, biểu diễn lân sư rồng, ca nhạc thiếu nhi chủ đề Trung thu sum vầy, hội thi rước đèn, kể chuyện cổ tích… Dạo chơi phố lồng đèn Lương Nhữ Học…
Có thể nói, những chương trình vui Trung thu diễn ra khắp nơi không chỉ mang niềm vui đến cho các em thiếu nhi, mà nó còn góp phần đưa trẻ em về với Tết Trung thu truyền thống, đưa các em đến với những giấc mơ, những ước vọng tương lai.