Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017); đồng thời tri ân những cống hiến của những anh hùng liệt sỹ, thương binh đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc cũng như những người lính đang cầm bút trên những “mặt trận” mới hôm nay.
“Nhà văn Nguyễn Chí Trung, một lòng son với Tổ quốc” là cuốn sách được gia đình và tập thể các bạn văn quân đội biên soạn sau ngày nhà văn mất. Cuốn sách tập hợp nhiều nỗi lòng của bạn bè đối với ông.
Trong sách có tâm tình của những nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, nhà hoạt động xã hội, hoạt động khoa học và nhiều nhất là tấm lòng những người cầm bút nhiều thế hệ. Tính cách, nghị lực, tinh thần trách nhiệm Nguyễn Chí Trung đối với tập thể các nhà văn quân đội, với những người viết trẻ sau ông đã thành những kỷ niệm cảm động, có sức lưu truyền như giai thoại, cổ tích.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung tên thật là Thái Nguyên Chung, sinh năm 1930, tại tỉnh Quảng Nam; quê quán tại Thừa Thiên Huế. Cách mạng tháng Tám thành công, mới 15 tuổi, ông đã có mặt trong hàng ngũ những người chiến đấu ở mặt trận Đèo Cả. Ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Để ghi nhận những cống hiến của Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung, Đảng, Nhà nước trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý. Trong lĩnh vực văn học, ông cũng được nhận Giải thưởng của Bộ Quốc phòng về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật...
Tại buổi ra mắt sách, đa số bạn bè, đồng nghiệp của Nhà văn ghi nhận: Với Nguyễn Chí Trung, lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng và hành động chiến sỹ đã trở thành yếu tố hình thành nhân cách. Ông nhập cuộc văn chương cùng lúc với chiến đấu.
Viết văn, viết báo và ra trận đánh giặc hòa lẫn vào nhau. Tác phong sống cụ thể, quyết liệt và cách hành xử nghiêm khắc đã theo ông cả cuộc đời. Ông có một vốn sống rất phong phú với biên độ rộng. Văn ông chưa tải hết những điều ông chất chứa trong lòng.
Nhiều nhà phê bình nhận xét văn tùy bút của Nguyễn Chí Trung có tình cảm đất đai, xứ sở chân thật, mộc mạc và đằm thắm. Ông yêu người dân nắng sương lam lũ và có lòng vị tha cao cả.
Ông yêu đất đai nắng mưa bao đời vun xới thành phì nhiêu có sức nuôi người. Ông yêu cả truyền thuyết xứ sở, cổ tích về dòng giống, phong tục, lối sống. Tiểu thuyết của Nguyễn Chí Trung là tự sự hiện thực xen kẽ với những đoạn trữ tình mượn từ huyền thoại, dã sử và sự chiêm nghiệm của đời ông, chứ ít khi là sự trộn lẫn hai yếu tố đó từ trong cốt lõi của hình tượng nhân vật, sự kiện đời sống.
Là người được sống cùng với Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung rất nhiều năm, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên Báo Văn nghệ chia sẻ rằng, ông được người anh - nhà văn Chí Trung dạy cho bài học viết đầu tiên đó là làm nghề viết trước hết phải xuống với dân và học từ dân, học từ thực tế.
Muốn trở thành nhà văn trước hết phải là một con người. Điều đó cũng chính là phương châm sống của nhà văn Nguyễn Chí Trung trong suốt cuộc đời mà lớp nhà văn trẻ thời ấy luôn nỗ lực học tập. Nhà văn Chí Trung viết không nhiều nhưng viết rất cẩn thận, có trách nhiệm với con người, quê hương, đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Hội Nhà văn Việt Nam rất trân trọng nhà văn Nguyễn Chí Trung. Nhà văn là người có cống hiến lớn cho Cách mạng.
Trong lĩnh vực văn học, nhà văn cũng có những đóng góp không nhỏ, ông đã phục dựng lại cuộc chiến tranh khốc liệt của Việt Nam mà chưa ai vượt qua. Điều này thể hiện rất rõ qua cuốn sách “Tiếng khóc của Nàng Út”. Cuốn sách đã được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á.