Phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc S'Tiêng 

Sản phẩm rượu cần của dân tộc S’Tiêng ở Bình Phước đang từng bước xây dựng sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng riêng có của người dân tộc thiểu số bản địa.

Đây là một sản vật đặc trưng, góp phần vào sự phong phú đa dạng của văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng. Với giá trị tiêu biểu, đặc biệt này, Kỹ thuật chế biến rượu cần người S’Tiêng Bình Phước vừa được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chú thích ảnh
Rượu cần của dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Phát huy giá trị bản sắc dân tộc

Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống được hình thành lâu đời qua nhiều thế hệ, tích lũy qua thời gian. Tuy nhiên, hiện nay số hộ gia đình còn chế biến rượu cần còn rất ít. Gia đình ông Điểu Đon (70 tuổi, ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) là một trong những hộ vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống chế biến rượu cần của dân tộc.

Theo ông Điểu Đon, nấu rượu cần theo công thức truyền miệng, làm thủ công truyền thống thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên  như: lá cây, vỏ cây rừng... Chủ nhân nấu biết cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với lúa, gạo, từ đó tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng trong rượu cần.

“Rượu cần theo tiếng S’Tiêng gọi là Đ’rắp S’lung hay Rơ nơm Đ’Rắp. Rượu cần thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Nó là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng, hay các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người trong buôn làng. Trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi… bình rượu cần vẫn được sử dụng. Hiện nay, tôi đã truyền dạy cho các con và biết nấu rượu cần rồi”, ông Điểu Đon chia sẻ.

Sau thế hệ 5X, thế hệ 8X đang từ bước phát huy giá trị bản sắc rượu cần của dân tộc. Tiêu biểu như chị  Điểu Thị Xia (34 tuổi, ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) đã thành lập Tổ hợp tác chế biến rượu cần S’Tiêng sóc Bom Bo. Chị Điểu Thị Xia cho biết: “Tôi và nhiều chị em trong sóc đã được thế hiện trước truyền dạy nấu rượu cần. Từ ý tưởng mở rộng chế biến rượu cần với số lượng lớn nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ đồng bào dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo có nguồn thu, đồng thời mang văn hóa truyền thống nghề nấu rượu cần của người S’Tiêng được đông đảo người tiêu dùng biết đến”.

Nhiều gia đình ở Bom Bo đã nhận thức việc gìn giữ phát huy truyền thống rượu cần. Đến nay đã có 10 thành viên tham gia tổ hợp tác sản xuất rượu cần. Những thành viên hầu hết là phụ nữ có chung sở thích và bảo tồn giá trị bản sắc dân tộc. Chế biến rượu cần đã mang lại nguồn thu nhập thêm cho chị em trong tổ hợp tác.

“Việc làm rượu cần của chúng tôi đang ở mức tự phát nên gặp không ít khó khăn cho tổ hợp tác. Để phát huy giá trị truyền thống về rượu cần, rất mong được chính quyền địa phương quan tâm hơn, tạo nguồn vốn để tổ hợp tác vay vốn nhằm phát triển cơ sở rượu cần có chất lượng hơn nữa”, chị Điểu Thị Xia chia sẻ.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tổ hợp tác rượu cần Bom Bo đã chế biến hàng trăm bình. Đây còn là dịp để rượu cần S’Tiêng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và nhiều dân tộc anh em biết văn hóa nấu rượu cần của người S’Tiêng.

Xây dựng thương hiệu rượu cần

Với giá trị tiêu biểu, đặc biệt, Kỹ thuật chế biến rượu cần người S’Tiêng Bình Phước được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4597/QĐ-BĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Chú thích ảnh
 Sản phẩm rượu cần của dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước: 

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước Phạm Hữu Hiến cho biết, rượu cần chứa đựng giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc S’Tiêng Bình Phước. Để bảo tồn di sản này tốt hơn, trong thời gian tới, đòi hỏi sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan, ban ngành, đặc biệt là những chủ nhân của di sản. Đồng thời, cần có những chính sách bảo tồn phù hợp, đồng thời phát huy phát triển phổ biến trong cộng đồng làm sao cho nhiều người biết đến di sản không chỉ là sản phẩm văn hóa mà còn là sản phẩm tiêu dùng.

Ông Phạm Hữu Hiến cho rằng, muốn bảo tồn hiệu quả di sản, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như nguồn lực tài chính, tuyên truyền, xây dựng các giải pháp căn cơ. Hiện nay, Bình Phước có nhiều nơi nấu rượu cần. Mỗi nơi trên cơ sở tay nghề và tri thức cộng đồng họ tạo ra một số hương vị rượu cần rất đặc trưng. Điển hình một số hộ nấu ở huyện Bù Gia Mập, Hớn Quản, Bù Đăng đã phát triển thành sản phẩm thương mại. Để xây dựng thương hiệu rượu cần S’Tiêng Bình Phước cần có giải pháp phù hợp. Ngành văn hóa đã đưa rượu cần Bình Phước đi quảng bá nhiều nơi.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung, Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt đồng bào S’Tiêng các huyện, thị xã nơi có di sản tồn tại. Đây cũng là việc làm thiết thực đối với một di sản của cộng đồng người S’Tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

"Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, thực hiện tốt công tác phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, trong đó có di sản kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định có liên quan về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa”, ông Đỗ Minh Trung cho hay.

Ngoài ra, công tác truyền dạy các tri thức, quy trình, kỹ thuật chế biến rượu cần cho các thế hệ trẻ tại địa phương là việc làm cần thiết. Địa phương cần xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng nói riêng và Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung.

Các huyện, thị xã, thành phố nơi có rượu cần cần duy trì có chương trình, giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Kỹ thuật chế biến rượu cần, góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, các già làng cần truyền dạy cho các thế hệ, duy trì bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kỹ thuật chế biến rượu cần của đồng bào dân tộc mình.

Việc trao quyết định và giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho cộng đồng người S’Tiêng các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phước Long, Phú Riềng sẽ tạo động lực giúp cộng đồng S’Tiêng phát huy, gìn giữ nghề rượu cần đặc trưng riêng cũng như xây dựng thương hiệu mang lại sinh kế thêm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin, bài: K GỬIH (TTXVN)
Đà Nẵng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc
Đà Nẵng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN