Bảo tồn lễ hội dân gian của các dân tộc là một giải pháp tốt nhất để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Đó cũng là lý do mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định phục dựng 7 lễ hội của các dân tộc trong năm 2020.
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lễ hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Các lễ hội phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan các dân tộc trong một không gian, môi trường và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Lễ hội thể hiện mong ước của con người là được khỏe mạnh, may mắn, phát tài phát lộc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả…
Đặc biệt, các lễ hội còn có chức năng cố kết cộng đồng, như một “mệnh lệnh thiêng” để đoàn kết tất cả cộng đồng cùng tham gia. Không những thế, trong quá trình tổ chức lễ hội, những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa, nghệ thuật trong các dân tộc cũng được thể hiện ra, đồng thời lễ hội cũng là môi trường tốt nhất để gìn giữ, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc như hát giao duyên, ném còn, múa khèn, chơi quay, kéo co…
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của nước ta hiện nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số càng có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, lễ hội góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lễ hội trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Cụ thể, như lễ hội Gầu Tào ở Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, trước đây chỉ là lễ hội của vùng Pha Long, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của người Mông ở các huyện miền Đông tỉnh Lào Cai, thu hút đồng bào Mông ở Lào Cai, Hà Giang… tham gia. Từ việc chỉ có khoảng 500 người tham dự, đến nay lễ hội đã thu hút hàng vạn người tham gia. Hay như lễ hội Roóng Poọc của người Giáy thôn Tả Van, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cuối thế kỷ 20 trở về trước, chỉ là hội làng, có vài trăm người tham dự nhưng đến nay đã trở thành lễ hội của cả vùng hạ huyện Sa Pa. Đặc biệt, sau khi được quảng bá trên các trang web du lịch, lễ hội Roóng Poọc đã trở thành điểm đến của hàng trăm du khách với nhiều quốc tịch khác nhau…
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương bảo tồn, phát huy những giá trị tiêu biểu của văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có lễ hội dân gian. Các cấp, các ngành, các địa phương cũng đã có những hành hành động thiết thực trong việc bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong lễ hội dân gian của mỗi dân tộc. Đặc biệt, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có chính sách hỗ trợ các địa phương bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là rất đáng hoan nghênh.
Phục dựng 7 lễ hội truyền thống
Trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số để phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu; Lễ hội truyền thống dân tộc Gia Rai, tỉnh Kon Tum.
Để thực hiện tốt chương trình này, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao các tỉnh cần chú trọng đến việc chỉ đạo tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thông qua lễ hội các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, các yếu tố văn hóa mới tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc. Hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý rằng các lễ hội phục dựng phải được diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Đặc biệt, trong quá trình phục dựng, những người thực hiện không được tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc của lễ hội văn hóa dân gian; chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt; tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và tạo cảm giác xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng lưu ý, điều quan trọng là cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lễ hội để phục dựng, tái hiện cho đúng, tránh việc làm sai lệch xa rời thực tiễn, tránh hiện đại hóa, mới hóa hoàn toàn lễ hội, tuy nhiên cũng không quá câu nệ, giữ nguyên xi như cũ… Điều quan trọng là các cơ quan quản lý văn hóa phải để cộng đồng tự tổ chức, phục dựng lễ hội, có như vậy lễ hội mới được bảo tồn một cách tốt nhất.