Có thể nói, nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt Công ước, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Các di sản văn hóa, thiên nhiên được bảo vệ, phát huy giá trị đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và bền vững cho người dân.
Di sản đã mang lại lợi ích thiết thực
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước ta đã có 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 3.591 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và 123 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hơn 40.000 di tích và khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống bảo tàng gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị hơn 4 triệu hiện vật. Cả nước đã có 238 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét duyệt...
Đặc biệt, Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Cùng với đó, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được ghi danh ở tầm châu Á- Thái Bình Dương và thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Các di sản thế giới tại Việt Nam đã đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Cụ thể, Quần thể di tích Cố đô Huế khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu lượt khách tới tham quan, nghiên cứu. Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách.
Việc bảo vệ, phát huy, khai thác hợp lý Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại đã giúp Hội An thay đổi cơ cấu kinh tế. Số lượng khách tham quan ngày càng tăng, từ gần 879.000 khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. Trong hơn 20 năm qua (từ khi Khu phố cổ Hội An trở thành Di sản thế giới), nguồn thu từ du lịch dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị di sản đã tăng vượt bậc, hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính nhằm cải thiện cơ cở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và bảo tồn Khu phố cổ Hội An.
Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dựa trên cơ sở bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu: Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.
Năm 2019, khi chưa ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến vịnh Hạ Long đạt 4,4 triệu lượt, trong đó gần 2,9 triệu lượt khách quốc tế. Lượng khách đến Hạ Long đã giúp du lịch Quảng Ninh vượt lên hẳn so với các địa phương khác, chỉ xếp sau Hà Nội. Điều này cho thấy, vịnh Hạ Long luôn là điểm tham quan không chỉ riêng của Quảng Ninh mà còn của cả nước ta. Không chỉ số lượng khách du lịch quốc tế đến Hạ Long tăng mà mức chi tiêu bình quân của du khách cũng tăng xấp xỉ 10%, lên con số trên 110 USD/ngày. Dòng khách cao cấp tiếp tục mang tới cơ hội “vàng” cho thành phố này.
Ngay khi mở cửa trở lại sau dịch COVID-19, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng phục hồi. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 5 triệu lượt, tăng 107% so với kịch bản tăng trưởng; doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 122% so với kịch bản. Lượng khách du lịch tăng theo ngày. Các dịp cuối tuần và lễ, tỷ lệ lấp đầy phòng tại những khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang trên địa bàn tỉnh đạt 90-100%. Tàu đưa khách tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long cũng luôn kín khách…
Thành viên tích cực thực hiện Công ước UNESCO
Theo đánh giá của UNESCO, từ khi Công ước Công ước UNESCO 1972 có hiệu lực, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực. Nước ta đã hợp tác với UNESCO triển khai nhiều dự án để hỗ trợ các địa phương trong bảo vệ, thúc đẩy các thực hành văn hóa đa dạng và phong phú.
Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa, Việt Nam đã tham gia Công ước 1972, Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), Công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005). Sắp tới, sẽ tham gia Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (Công ước 2001).
Từ sau năm 1987, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Việc này được thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước. Bộ máy quản lý di sản thế giới từ Trung ương đến địa phương đang được củng cố. Các nguồn lực bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ di sản thế giới…
Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước 1972 nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước UNESCO 1972 thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước 2003 vào tháng 7/2022, Việt Nam trúng cử Ủy ban Bảo vệ di sản di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026 với số phiếu cao nhất. Điều này cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong nước và thế giới. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn nữa trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung về văn hóa, quảng bá rộng rãi hơn nữa các giá trị đặc sắc văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO, sau nhiệm kỳ 2006-2010. Với tư cách là thành viên Ủy ban liên chính phủ nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu, ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho sự đa dạng, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa, gắn kết xã hội mà còn là động lực cho phát triển bền vững.
Vào ngày 6/9 tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 và đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam. Sự kiện này sẽ góp phần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của nước ta cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy hơn nữa giá trị của Công ước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO trong thời gian tới...