Nhịp cầu kết nối quan hệ Việt Nam - Thái Lan

Từ một kỹ sư viễn thông, ông đã trở thành nhà sưu tầm nghệ thuật và doanh nhân thành đạt nhờ mối nhân duyên với những tác phẩm nghệ thuật của lớp người theo học khóa đầu tiên tại Trường mỹ thuật Đông Dương ở Việt Nam.


 

Ông Tira (ngoài cùng bên trái) cùng một họa sĩ Thái Lan chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng và Phu nhân tại phòng tranh 333 Thái -Việt.

Ông là Tira Vanichteeranont, chủ nhân của Phòng tranh 333 Thái-Việt tại Băngcốc. Nơi đây được giới yêu nghệ thuật coi là một trong những nhịp cầu kết nối mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.


Sau hơn 20 năm làm ăn sinh sống tại Việt Nam, ông Tira đang có trong tay một bộ sưu tập giá trị gồm hơn 200 mẫu vật và tác phẩm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ theo học khóa đầu tiên tại Trường mỹ thuật Đông Dương.


Phòng tranh của ông hiện đang trưng bày nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập này và hàng chục tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Thái Lan vẽ về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam từ những chuyến đi do chính ông Tira tổ chức. Ông Tira đã dành cho báo Tin Tức một cuộc phỏng vấn về những kỷ niệm và phòng tranh 333 Thái-Việt của mình.

 

´Xin ông cho biết tại sao phòng tranh lại có tên 333 Thái-Việt?


333 là tên của một loại bia nổi tiếng ở Việt Nam mà người nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng đều phải biết. Tôi đặt tên 333 Thái-Việt cho phòng tranh của mình chỉ để khẳng định với khách nước ngoài tới Thái Lan rằng đây là địa chỉ lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc Việt Nam. Phòng tranh này sẽ góp phần trở thành điểm giao lưu giữa các nghệ sĩ Thái Lan và Việt Nam, tạo nên một nhịp cầu nối cho mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật.

 

´Lý do nào khiến ông có ý tưởng như vậy?


Nó được bắt đầu từ mối quan tâm tới nghệ thuật của tôi. Nhờ một thời gian làm việc lâu dài ở Việt Nam, tôi đã cảm nhận được về cuộc sống, nghệ thuật và văn hóa của các bạn. Trước tiên, tôi đã may mắn có được các bức họa và bản thảo của bộ sưu tập gồm hơn 200 tác phẩm nghệ thuật do lớp nghệ sĩ theo học khóa một trường Mỹ thuật Đông Dương từ thời Pháp thuộc để lại. Sau này, tôi đã được biết thêm về những giá trị lịch sử của nó. Những trải nghiệm thực tế này đã đưa tôi đến quyết định tổ chức một không gian để trưng bày các tác phẩm đó vì mục đích giáo dục và giao lưu. Phòng tranh 333 Thái - Việt ra đời từ đó.


Kể từ năm 2011, thời điểm kỷ niệm 35 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôi đã ba lần đứng ra tổ chức cho nhiều họa sĩ Thái Lan sang Việt Nam sáng tác nghệ thuật về cuộc sống, thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt sau chuyến đi Hà Nội, một cuộc triển lãm về "Hà Nội trong sắc Xuân" được tổ chức ở Băngcốc đã thu hút khá nhiều người quan tâm. Tôi cũng đã học hỏi thêm được nhiều điều sau này.

 

´Những dự kiến sắp tới của ông và phòng tranh là gì?


Sau cuộc triển lãm này, dự kiến chúng tôi sẽ mang tất cả những bức tranh về Việt Nam của các họa sĩ Thái Lan sang trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh để mở ra thêm những cơ hội giao lưu mới cho các họa sĩ hai nước.


Thời gian tới, chúng tôi có thể sẽ gặp nhiều khó khăn bởi ở Băngcốc không có quá nhiều người quan tâm tới nghệ thuật hội họa. Nhưng chúng tôi sẽ phải từng bước giải quyết mọi vấn đề. Tôi tin rằng phòng tranh này sẽ là địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn người Việt Nam đang sinh sống, công tác và học tập cũng như những người Việt Nam có dịp ghé thăm Băngcốc. Phòng tranh 333 Thái-Việt sẽ phải trở thành một trong những nhịp cầu kết nối mối quan hệ giữa hai nước.


Bài và ảnh: Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN