Nghệ sỹ Bùi Công Duy và khách mời trình diễn 5 bản concerto nổi tiếng thế giới

Thông tin từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) cho biết: Hai đêm hòa nhạc đặc biệt sẽ diễn ra tối 25-26/8 tại Nhà hát Thành phố. Đây là chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát, có sự tham gia trình diễn của nghệ sỹ violin hàng đầu Bùi Công Duy và các khách mời xuất sắc đến từ Mỹ. Các nghệ sỹ sẽ trình diễn 5 bản concerto nổi tiếng trong kho tàng âm nhạc thế giới.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy biểu diễn tại chương trình biểu diễn âm nhạc "Hoàng tử bé", tối 23/6/2023. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Các khách mời nổi tiếng biểu diễn trong hai đêm hòa nhạc gồm: Nghệ sỹ violin quốc tế Chương Vũ; nghệ sỹ cello Grace Ho người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc); nghệ sỹ piano Max Levinson; nghệ sỹ viola người Đài Loan (Trung Quốc) Yi-Wen Chao và nghệ sỹ cello Phan Đỗ Phúc. Chỉ huy đêm nhạc  là nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Bản, Honna Tetsuji.

Mở màn đêm diễn 25/8 là bản concerto Grosso cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây của nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Anh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk (Nga). Nghệ sỹ violin Bùi Công Duy sẽ trình tấu tác phẩm cùng nghệ sỹ piano Ju Sun Young, Chương Ngọc Hồng Minh (nhạc cụ gõ), bộ gõ và dàn dây.

Phần còn lại của đêm nhạc là bản song tấu cho violin, viola và dàn nhạc, cung Mi thứ của nhà soạn nhạc người Đức- Max Bruch do hai nghệ sỹ Bùi Công Duy và Yi Wen Chao trình tấu.  Tác phẩm này ra đời năm 1911, nắm bắt được chiều sâu biểu cảm của thời đại và sự xuất sắc về giai điệu thông qua tương tác giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc. 

Cuối cùng là bản song tấu cho violin, cello và dàn nhạc, cung La thứ của Johannes Brahms. Được sáng tác vào năm 1887, tác phẩm đặt các nhạc cụ độc tấu vào một cuộc đối thoại nội tâm và phong phú trong khuôn khổ dàn nhạc. Tác phẩm do nghệ sỹ Bùi Công Duy và Phan Đỗ Phúc trình diễn. 

Chương trình ngày 26/8 bắt đầu với concerto "Việt Nam bốn mùa" cho 2 đàn violin và dàn nhạc của Đặng Hồng Anh. Hai nghệ sỹ Bùi Công Duy và Chương Vũ sẽ thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Tác giả Đặng Hồng Anh sinh năm 1969 tại Hà Nội, cô nhận bằng thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga năm 1998. Cô viết các tác phẩm độc tấu, hòa tấu, dàn nhạc giao hưởng, thanh nhạc và hợp xướng đã được biểu diễn khắp châu Âu, châu Á và Việt Nam. Tác phẩm "Việt Nam bốn mùa" gồm 4 chương: Mùa Xuân: Lúa vàng; Mùa Hạ: Chèo thuyền; Mùa Thu - Lễ Phật trong chùa và Mùa Đông: Múa rồng đón Tết.

Phần cuối của chương trình sẽ là bản concerto cho đàn violon, cello, piano và dàn nhạc của thiên tài âm nhạc L.V.Beethoven. Được sáng tác vào năm 1803, đây là một tác phẩm giao hưởng độc đáo, khác với thể thức concerto truyền thống bằng cách sử dụng 3  nhạc cụ độc tấu. Thông qua cấu trúc thử nghiệm và giai điệu violin, cello và piano trò chuyện với nhau, bản concerto mang đến cho khán giả một cách hiểu mới về các bản concerto.

Các bản concerto được phát triển lần đầu tiên vào thế kỷ XVII trong thời kỳ Baroque, thể loại này đã trở nên nổi bật trong thời kỳ cổ điển và tiếp tục phát triển đến ngày nay. Các bản concerto thường có một hoặc nhóm nhạc cụ độc tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng. Cấu trúc này cho phép các nhà soạn nhạc, nghệ sỹ biểu diễn thể hiện sự sáng tạo vô hạn, đặc biệt phù hợp với âm nhạc đa tuyến tính, nhạc kịch...

Hà Trang (TTXVN)
Nghệ sỹ violin Bùi Công Duy được phong hàm Giáo sư danh dự quốc tế
Nghệ sỹ violin Bùi Công Duy được phong hàm Giáo sư danh dự quốc tế

Thông tin từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Chiều 26/4, Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Công Duy đã chính thức được lãnh đạo Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan phong hàm Giáo sư danh dự của trường cùng hai nghệ sĩ, nhà sư phạm quốc tế khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN