Mỳ Quảng - nét đẹp văn hóa ẩm thực đặc sắc xứ Quảng 

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của món ăn mỳ Quảng, ngày 2/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Mỳ Quảng - nét văn hóa ẩm thực đặc sắc xứ Quảng".

Chú thích ảnh
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. 

Tại Hội thảo, đại biểu đã nghe nhiều tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về nguồn gốc, xuất xứ, cách chế biến, nguyên liệu, cách ăn của mỳ Quảng… cũng như đánh giá của thực khách trong và ngoài nước về món ăn này.

Theo Thạc sĩ Phùng Tấn Đông, nguyên cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An, mỳ Quảng ra đời vào thời của các chúa Nguyễn “kinh dinh” xứ Đàng Trong từ đầu thế kỷ XVII. Mỳ Quảng là món ăn dân dã, thích ứng với tính chất ẩm thực “no và đậm” của người Quảng Nam, vốn là những lưu dân từ miền Bắc vào Nam mở đất (ăn trước tiên phải no để làm việc, đồng thời đậm hương vị vùng đất mới). 

Mì Quảng lấy con mỳ (sợi mỳ) làm nguyên tắc - sợi mỳ phải được làm từ bột gạo, mỳ tươi. Dựa trên nguyên tắc đó, người Quảng Nam đã “dĩ vạn biến” về “nhưn mỳ” (nhân mỳ) tạo nên sự đa dạng cho tô mỳ Quảng (mỳ tôm thịt, mỳ thịt heo, thịt bò, gà, mỳ tôm, mỳ cua, mỳ lươn…).

Theo thống kê, mỳ Quảng hầu như đã có mặt ở tất cả tỉnh, thành phố trong nước, được người dân đánh giá cao bởi sự tươi ngon, dễ ăn, dân dã, không cầu kỳ, đặc biệt là thông dụng, ở đâu cũng có thể ăn được.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng, đặc trưng của mỳ Quảng là phải được làm từ gạo, xay thủ công bằng cối đá, “nước nhưn” có thể được làm từ tôm, thịt (gà, bò, heo…), cá lóc… tùy theo từng nguyên liệu để gọi tên riêng cho từng loại mỳ (mỳ cá, mỳ bò, mỳ lươn…). Đặc biệt, ăn mỳ Quảng phải ăn với rau sống tổng hợp (ít nhất phải có 5 loại rau khác nhau), tùy từng loại mì để ăn với rau tương thích cùng một ít lạc và bánh tráng.

Theo bà Phạm Thị Hạnh, chủ quán mỳ Quảng Cây Trâm nổi tiếng ở huyện Núi Thành, để làm nên một tô mỳ Quảng ngon, trước hết tất cả nguồn nguyên liệu phải tự nhiên (sạch), được chế biến hoàn toàn thủ công và tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong chế biến.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khẳng định, qua các tham luận và ý kiến tại hội thảo, tựu trung đại biểu đều thống nhất nguồn gốc của mỳ Quảng là ở Quảng Nam (Quảng Nam - Đà Nẵng). Mỳ Quảng xuất phát từ người dân và có thời gian hình thành từ lâu đời ở Quảng Nam, rất có giá trị văn hóa.

Chú thích ảnh
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. 

Hội thảo đã thống nhất, thời gian tới sẽ đề ra giải pháp, phát huy các giá trị và xác lập, xây dựng hồ sơ đề nghị đưa mỳ Quảng vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Bài, ảnh: Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)
300 món ngon quy tụ tại lễ hội Văn hóa ẩm thực, món ngon ba miền
300 món ngon quy tụ tại lễ hội Văn hóa ẩm thực, món ngon ba miền

Đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh và du khách đã "đội mưa" để thưởng thức 300 món ngon tại lễ hội Văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2022 diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN