Khi người đẹp ứng xử

Phần thi ứng xử của các thí sinh tham dự Vòng chung kết cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3 - 2013” đã diễn ra chiều tối ngày 18/6. Đây có lẽ là phần thi được nhiều người quan tâm nhất.

Các thí sinh chuẩn bị bước vào phần thi ứng xử.


Phương thức của phần thi ứng xử năm nay được BTC đổi mới, tạo cơ hội cho thí sinh có thể được giao lưu với tất cả các giám khảo, đồng thời giúp cho các em có thêm sự tự tin để thể hiện mình: Mỗi thí sinh đều được trả lời phỏng vấn với 7 thành viên của Ban giám khảo qua 6 câu hỏi. Các em đã có cơ hội để giới thiệu về phong tục tập quán đặc sắc nhất của dân tộc mình; trình bày những hiểu biết của mình về những di sản thế giới của Việt Nam, đặc biệt là 2 di sản Thế giới của tỉnh Quảng Nam là Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An cũng như cho biết lý do các em chọn tham dự cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013.

Chọn cho mình những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, các thí sinh đã tham dự phần thi ứng xử với sự tự tin của mình. Toả sáng trong bộ trang phục dân tộc Lào là thí sinh Lò Thị Điểm, SBD 09, đến từ tỉnh Điện Biên. Lò Thị Điểm chia sẻ, bộ trang phục này do em tự dệt trong hơn 2 tháng để tham dự cuộc thi. Trang phục của phụ nữ Lào rất rực rỡ, nhiều màu; thể hiện sự hoà hợp với  thiên nhiên. Bộ trang phục này cũng giúp người con gái dân tộc Lào toả sáng và nổi bật trong màu xanh của rừng núi.

Thí sinh Lù Thị Kim Duyên (SBD 13) lại chinh phục giám khảo bằng vẻ dịu dàng trong bộ trang phục dân tộc Giáy rất độc đáo. Là thí sinh đến từ dân tộc khá “hiếm” của Việt Nam, nên những nét văn hoá dân tộc mà Kim Duyên giới thiệu thông qua bộ trang phục của mình thực sự  là một nét đặc sắc trong phần thi ứng xử này. Cũng chọn bộ trang phục dân tộc, nhưng  thí sinh Lù Thị Bích, dân tộc La Chí còn khiến giám khảo thích thú với phần giới thiệu về Tết Khu Cù Tê - tết cầu mừng một mùa lúa mới và mong muốn tổ tiên phù hộ cho gia đình, cho làng xóm. Mâm cỗ cúng trong Tết Khu Cù Tê phải có đủ các sản vật gồm thịt gà, thịt trâu, thịt lợn. Ngoài phần lễ, phần hội còn rất rộn ràng với các trò chơi dân gian như ném còn, chơi đu, kéo co.

Hoa hậu Diễm Hương và thí sinh Ka Broi SBD 06.


Thí sinh Hàn Thị Diệp (SBD 10) duyên dáng trong bộ trang phục dân tộc Tày với những hoa văn thật rực rỡ. Hàn Thị Diệp đã  lại chọn cách cất lên lời ca để giới thiệu về nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình. Cô gái dân tộc Tày 19 tuổi, đến từ tỉnh Thái Nguyên, đã thể hiện điệu Then của dân tộc mình với giọng ca ngọt ngào, trong trẻo. Hàn Thị Diệp cho biết, điệu hát Then là điệu hát quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày, xuất hiện trong đời sống hàng ngày, cũng như trong các lễ hội của đồng bào. Điệu hát Then thường gắn bó với cây đàn Tính, tạo nên những giai điệu du dương, vang xa trên những triền núi của vùng Tây Bắc…

Ngay với các thí sinh dân tộc Kinh, những nét văn hoá dân tộc truyền thống cũng được các em giới thiệu khá thú vị. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Anh, SBD 04 giới thiệu về tết cổ truyền của dân tộc, ngày của sự đoàn tụ gia đình. Ngọc Anh tâm sự, cô rất mê tết, mê nét đặc trưng của bánh chưng và hoa đào ở miền Bắc, bánh tét và hoa mai ở miền Nam; và trên hết là phong tục mừng tuổi ngày Tết- như một lời chúc may mắn mà mọi người dành cho nhau.

Ban giám khảo cuộc thi trong phần thi ứng xử.


Thí sinh Lưu Thị Hoà (SBD 23), dân tộc Cơ Lao, lại “khoe”  nét đặc trưng của trang phục đồng bào Cơ Lao, với chiếc áo được thêu những hoa văn tinh tế trên cổ, vai và tay áo. Đặc biệt những hoạ tiết trên áo đều được làm theo số lẻ như số cúc trên áo, vì đồng bào Cơ Lao quan niệm, số lẻ là số mang lại may mắn. Vạt áo trước của đồng bào Cơ Lao dài hơn vạt áo sau, thể hiện sự tôn kính với bề trên. Cũng theo thí sinh Lưu Thị Hoà, trong trang phục truyền thống trước đây của đồng bào Cơ Lao không có quần, mà chỉ có áo dài và váy; nhưng trong quá trình phát triển, do đặc thù sản xuất, nên chiếc váy đã dần được thay thế bằng chiếc quần.


TTXVN/Tin tức
    

    

Thí sinh Hoa hậu đồng hành cùng môi trường Cù Lao Chàm
Thí sinh Hoa hậu đồng hành cùng môi trường Cù Lao Chàm

Sáng 17/6, các thí sinh cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam đã có hành trình tới Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) để tham gia chương trình “Hoa hậu Dân tộc Việt Nam và thông điệp bảo vệ môi trường”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN