Khánh thành công trình Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Ngày 11/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ Khánh thành công trình Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát).

Chú thích ảnh
Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Đền thờ được xây dựng trên diện tích 1.200m2, tại Dốc Sáo (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải) với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí chính được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tài trợ và một phần từ ngân sách của tỉnh.

Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 5/2020, gồm các hạng mục: đền thờ chính, cổng tam quan, nhà quản lý, nhà soạn lễ, bức bình phong, nhà vọng cảnh, nhà bia, sân hành lễ, vườn trồng cây lưu niệm, sân đậu xe… Công trình mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Việt kết hợp kiến trúc, văn hóa đặc sắc  của đất và người Bình Định do kiến trúc sư Đào Tùng thiết kế.

Chú thích ảnh
 Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc và là người con của quê hương Bình Định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương quy hoạch, đầu tư xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, quê hương ông. Đền thờ là nơi tưởng nhớ, tri ân công đức của người anh hùng dân tộc, người con của quê hương Bình Định trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp để bảo vệ Tổ quốc. Đây sẽ là điểm đến về giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời là điểm đến hành hương của du khách và nhân dân trong vùng.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, khi tham gia nghĩa quân thường được gọi là Quản Chơn, Quản Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An - nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nguyên quán của ông là xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định - nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Chú thích ảnh
 Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Bình Định.

Từ nhỏ, ông Nguyễn Trung Trực đã nổi tiếng giỏi võ, cương trực, nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt. Để cứu người dân vô tội và nghĩa quân khỏi bị giặc tàn sát dã man, ông Nguyễn Trung Trực đã chấp nhận hy sinh, nộp mình cho giặc vào ngày 19/9/1868. Thuyết phục, dụ dỗ không thành, quân địch đã xử chém ông vào ngày 27/10/1868. Ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất của ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam với câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Ghi nhận, tri ân công đức to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định xây dựng đền thờ ông để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyên Linh (TTXVN)
Sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa
Sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa

Sáng 1/10, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN