Theo thống kê, từ hơn 1.000 nhà vườn thời Nguyễn, số lượng nhà vườn còn lại ở Huế đến năm 1998 là 331 nhà, năm 2004 còn 318 căn và hiện nay con số đó vẫn tiếp tục giảm. Trong khu vực Kinh thành Huế, từ khoảng 100 nhà vườn (năm 1998) có ít nhất 3 ngôi nhà bị phá hủy vào năm 2007 và 7 ngôi nhà khác bị biến mất. Từ năm 2011 đến nay, nhiều ngôi nhà vườn truyền thống bị tháo dỡ. Việc giảm số lượng và những biến dạng của các nhà vườn Huế thực sự là mất mát lớn đối với nền văn hóa kiến trúc Huế.
Nhà vườn An Hiên - Kim Long, TP Huế, địa điểm luôn thu hút đông khách du lịch đến tham quan. |
Từ thực tế đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và ban hành "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng". Các nhà vườn được chọn trong danh mục hỗ trợ đợt này, tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… được hỗ trợ đến 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nhà vườn từ Quỹ bảo trợ nhà vườn Huế. Các nhà vườn trong diện bảo tồn đảm bảo các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600 m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế (như nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện gỗ chạm trổ công phu).
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung hỗ trợ để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo 14 nhà vườn đặc trưng (đợt 1) của Huế gồm: Nhà vườn của Phạm Đăng Thiêm (đền thờ Đức Quốc Công, số 4 Kim Long), Đoàn Kim Khánh (145 Vạn Xuân, phường Kim Long), Hoàng Xuân Bậc (34 Phú Mộng, phường Kim Long), Lê Lương (38 Nguyễn Hoàng, phường Kim Long), Hồ Văn Bình (26 Phạm Thị Liên, phường Kim Long), Lê Thị Gái (Thường Lạc Viên, 20 Phú Mộng, phường Kim Long), Hồ Xuân Doanh (51 Thanh Nghị, phường Thủy Biều), Đặng Phi Hùng - Đỗ Thị Bích (43 Lương Quán, phường Thủy Biều), Hoàng Trọng Dũng (1/12 Ngô Hà, phường Thủy Biều), Hồ Xuân Đài (số 12 hẻm 22 Thanh Nghị, phường Thủy Biều), Phan Thuận An (ảnh, phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp), Vĩnh Tháp (310 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ và Phủ thờ Diên Khánh Vương, 228 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ), Lê Thị Bích Hồng (48 Hải Triều, phường An Cựu).
Cơ sở kinh doanh cà phê, nhà hàng tiệc cưới Vỹ Dạ Xưa. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, để có sự đồng thuận trong bảo tồn nhà vườn Huế, cần vận động, phân tích cho chủ nhà vườn hiểu để đưa chính sách bảo tồn nhà vườn vào thực tiễn cuộc sống. Tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn; nâng cao ý thức bảo vệ nhà vườn cho chủ nhân. Công tác khảo sát chi tiết những đối tượng nhà vườn đủ điều kiện sẽ được triển khai. Căn cứ tiêu chí bảo vệ và những cam kết của chủ nhà, Hội đồng thẩm định sẽ lựa chọn nhà nào làm trước, nhà nào làm sau cho phù hợp. Thời gian qua, tour du lịch nhà vườn đã hình thành nhưng vẫn chưa bài bản, hấp dẫn.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cùng với thay đổi chính sách bảo tồn nhà vườn Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có hình thức khen thưởng các chủ nhà vườn có ý thức bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa nhà vườn để vừa khuyến khích bảo tồn, vừa phát triển du lịch nhà vườn, góp phần bảo tồn nét đặc trưng của văn hóa Huế. Việc nghiên cứu, xây dựng các tour này sẽ được ngành chức năng quan tâm nhiều hơn; cần tổ chức theo hướng du khách phải được sống, sinh hoạt trong không gian nhà vườn và được hướng dẫn phong tục cưới hỏi, kỵ giỗ, làm bánh ngày lễ, Tết...
Trước đây, chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn năm 2006 - 2010 chậm được triển khai do số lượng nhà vườn được đề xuất bảo tồn quá lớn (150 nhà), vượt quá khả năng cân đối ngân sách tỉnh; trong khi các chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù như miễn thuế đất nên các chủ nhà vườn có diện tích lớn gặp nhiều khó khăn...