Trở lại với không gian sân khấu sang trọng và “thính phòng” của Nhà hát TP Hồ Chí Minh, trở lại với sự giản dị nhưng đầy tinh tế vốn là điều làm nên thương hiệu của giải thưởng âm nhạc Cống hiến (do báo Thể thao &Văn hóa- TTXVN và Công ty Le Bros phối hợp tổ chức); lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến ở tuổi lên 10 vẫn khiến những người tham dự vẹn nguyên sự bồi hồi và háo hức…
Nguyễn Trần Trung Quân và cú đúp ngoạn mục tại Cống hiến lần thứ 10. |
Bồi hồi bởi lẽ hành trình 10 năm đủ khẳng định một thương hiệu, đủ để Cống hiến không còn “trẻ” nữa trong làng âm nhạc Việt Nam và đủ để thấy sáng kiến của những người tổ chức giải thưởng là “đặt trọng trách” lên vai hơn trăm nhà báo làm văn hóa hai miền Nam- Bắc, là một quyết định đúng đắn. Bởi với cả năm mải mốt cùng âm nhạc Việt, chứng kiến những thăng, những trầm, những thành quả, những scandal; thì không ai có thể có cái nhìn chính xác hơn những nhà báo để có thể bầu chọn cho những giải thưởng.
"Bốn chữ lắm" đưa Phạm Toàn Thắng (phải) hai lần lên sân khấu nhận giải |
Và háo hức bởi Cống hiến là sự bất ngờ tới phút cuối, là sự “mới” mỗi năm, mới ngay cả với những cái tên có thể là “rất cũ” với giải thưởng vì đã nhiều năm được tôn vinh ở Cống hiến như ca sĩ Tùng Dương, nhạc sĩ Quốc Trung, hay nhạc sĩ Đỗ Bảo, ca sĩ Vũ Cát Tường… Bởi mỗi năm, giải thưởng đều “bỏ lại” những tôn vinh của năm cũ, để “soi xét” quá trình cống hiến của nhạc sĩ, ca sĩ trong năm mới. Bởi vậy, dù là ca sĩ, nhạc sĩ “lâu năm”, đã nhiều lần giành giải thưởng; hay là nhạc sĩ, ca sĩ lần đầu xuất hiện trong đề cử; thì cơ hội đều ngang nhau và việc ai được xướng tên sẽ là điều không thể đoán định được cho tới khi lá phiếu của các phóng viên được kiểm xong.
Năm nay cũng không ngoài “quy luật” này. Đang trong cánh gà chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn của mình trong đêm trao giải, ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân đã là cái tên được nhạc sĩ Dương Thụ xướng lên trong hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm”. Vậy là vượt qua những cái tên cũng rất hot như Vũ Thắng Lợi (người trình diễn rất thành công ca khúc “Những ánh sao đêm” trong đêm trao giải), nhóm Oplus (hiện tượng của “Nhân tố bí ẩn”) và cô gái Huyền Sambi; Nguyễn Trần Trung Quân đã lần đầu tiên được vinh danh trong giải thưởng Cống hiến. Với giới chuyên môn, thành công này của Trung Quân cũng là đoán định được, vì trong năm 2014, album đầu tay “Khởi hành” và album “MV nghiêng” của Trung Quân đã như một sự “lột xác” về âm nhạc, nghiêng hẳn sang ngả đường của electro (nhạc điện tử), một thể loại âm nhạc còn rất kén người nghe ở Việt Nam. Chính bởi vậy, cũng không bất ngờ khi album “Khởi hành” cũng đoạt giải thưởng trong hạng mục “Album của năm”; giúp Trung Quân giành cú đúp ngay trong lần đầu tiên “có giải” tại Cống hiến.
Đạo diễn Lê Hoàng là một nét "nhấn" rất duyên của lễ trao giải năm 10 với 10 định nghĩa về đêm nhạc. |
Với hạng mục rất được quan tâm “Nhạc sĩ của năm”, cái tên được nhạc sĩ Đức Trí thay mặt BTC xướng lên không phải là “cựu binh” Trần Lập, hay Cát Tường; cũng không phải cái tên còn đang gây nhiều tranh cãi vì quá “nệ vào lời bài hát, nghĩ ca từ trước rồi mới luồn nhạc vào” Tạ Quang Thắng; mà là chiến thắng của Phạm Toàn Thắng- người không tin là mình chiến thắng dù được lên sân khấu nhận giải, nhưng là người mà MC Diễm Quỳnh cũng rất thán phục, không kém gì các khán giả đã thán phục, khi ca khúc “Bốn chữ lắm” của anh đã làm mưa làm gió trên mạng và trong các chương trình âm nhạc trong suốt năm 2013-2014 vừa qua. Đánh giá của giới chuyên môn, thành công của Phạm Toàn Thắng là thành công của một nhạc sĩ trẻ có cách viết nhạc “rất văn minh” với ngôn ngữ sáng tác không khó đoán nhưng rất chỉn chu và có trình độ. Phạm Toàn Thắng thường sử dụng thủ pháp viết một bài hát dựa trên định dạng có sẵn; tự đặt ra vòng hòa thanh rồi mới sáng tạo lời ca, tạo ra một bố cục chặt chẽ “mang tính kỹ thuật nhưng rất cuốn hút” cho các ca khúc. Và đó cũng chính là lý do để lại có một “cú đúp” trẻ nữa trong giải Cống hiến năm nay, khi “Bốn chữ lắm” cũng được vinh danh là “Bài hát của năm” .
Trong hạng mục “Chương trình của năm”, sự mới “tinh tươm” và tính cộng đồng cực cao của dự án khá mạo hiểm mang tên “Monsoon Music Festival 2014”(Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2014) của Công ty Thanh Việt, đạo diễn Quốc Trung, đã vượt qua “HeartBeat”(Mỹ Tâm), “Hồ Ngọc Hà Live Concert 2014”(Hồ Ngọc Hà), “Trần Mạnh Tuấn và dàn nhạc giao hưởng”(Trần Mạnh Tuấn); để bước lên bục vinh quang. “Monsoon Music Festival 2014” là một cuộc chơi với tham vọng “thổi một đợt gió mùa cho đời sống âm nhạc”. Chương trình kéo dài trong ba ngày, hội tụ những nghệ sỹ tên tuổi trong nước và quốc tế, với các dòng nhạc khá đa dạng được biểu diễn: rock, EDM, quan họ, indie, post rock… diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, tạo ra một điểm hẹn mới cho âm nhạc.
Còn “Chuỗi chương trình của năm”, cái tên được xướng lên chính là “Giai điệu tự hào”. Dù chính ê kíp làm chương trình đã xin rút khỏi danh sách đề cử vào đúng hôm các nhà báo bình chọn, nhưng “Giai điệu tự hào” là một chương trình xứng đáng được vinh danh, bởi đó là nơi những bài hát kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam được sống lại và làm mới.
Với hạng mục “Ca sĩ của năm”, chàng ca sĩ rất duyên với giải thưởng Cống hiến Tùng Dương đã phải "nhường" thắng lợi cho ca sĩ Mỹ Tâm, nữ ca sĩ đã hơn một lần được vinh danh trên sân khấu của Cống hiến, nhưng chưa một lần tự nhận giải.