Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, chúng ta không chỉ đại diện cho chúng ta mà chúng ta còn đại diện cho dân tộc, cho thế giới để giữ gìn di sản văn hóa quý báu này. Hy vọng thời gian tới, các cộng đồng kéo co sẽ đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để chúng ta bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này”.
Kéo co thường được tổ chức trong các lễ hội xuân, đánh dấu sự khởi đầu của một vụ mùa mới trong nông nghiệp và thể hiện mong muốn mùa màng bội thu. Kéo co thu hút sự tham gia của gần như tất cả các thành viên trong cộng đồng, mỗi thành viên đóng vai trò khác nhau như người trực tiếp tham gia kéo co, trọng tài, người hướng dẫn, người cổ vũ…
Nghi lễ và trò chơi kéo co thường được tổ chức ở sân đình. Dây kéo sử dụng trong kéo co có thể được làm bằng song tre, dây mây, hoặc gai dầu phản ánh đặc điểm tự nhiên và văn hóa của mỗi cộng đồng. Mỗi lần kéo co có 2 đội tham gia với số lượng người đều nhau. Hai đội sẽ cùng nắm chắc vào dây kéo, điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dải lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình là đội đó thắng cuộc.
Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi được xem là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước.
Ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Song song với cuộc toạ đàm, một không gian trưng bày mang tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co” với 30 bức ảnh tái hiện lại hoạt động kéo co của các cộng đồng cũng được tổ chức.