Đưa 'Vương quốc lò gạch' Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại độc đáo

Ngày 18/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học đóng góp ý tưởng tổ chức hoạt động, triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các nhà đầu tư đã đề ra nhiều giải pháp, những khuyến nghị giúp tỉnh Vĩnh Long có định hướng tổng thể, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp và các chương trình dự án ưu tiên đầu tư để quy hoạch chung khu Di sản đương đại Mang Thít. Một số chủ đề chính được trình bày như: Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng di sản công nghiệp để hỗ trợ sáng tạo văn hóa và phát triển bền vững; việc tiếp cận di sản trên góc nhìn của nhà đầu tư chiến lược và khuyến nghị các hành động ưu tiên cho Di sản Mang Thít; kinh nghiệm thực tiễn về bảo tồn chuyển đổi di sản văn hóa của thành phố Hội An và thành phố Huế…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, Đề án Di sản đương đại Mang Thít được phê duyệt vào tháng 12/2021. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số định hướng, chủ trương lớn nhằm bảo tồn và phát triển khu di sản này. Tuy nhiên, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có các giải pháp đồng bộ để làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý và hoạt động chung; lập quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư công nền tảng; truyền thông với người dân, công chúng, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước; đặc biệt là xúc tiến với các nhà đầu tư chiến lược để tạo điểm nhấn, dẫn hướng cho việc phát triển quần thể di sản theo đúng định hướng của Đề án.

Đây là dịp để tỉnh tìm ra những ý kiến, giải pháp hữu hiệu xác định trọng tâm và cách thức triển khai chính sách hỗ trợ, bảo tồn, quản lý lò gạch và hình thái không gian của quần thể di sản. Từ đó, đưa “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại độc đáo có tầm quốc tế, điểm đến hấp dẫn với chất lượng hàng đầu ở cả 3 khía cạnh (điểm tham quan - trải nghiệm, ăn nghỉ và lữ hành). Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ tạo sự kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn và các địa phương lân cận; tạo việc làm và thu nhập cao, bền vững cho người dân địa phương; đồng thời thu hút, định hướng đầu tư vào việc chuyển đổi khu vực di sản.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội thảo. 

Theo ông Lữ Quang Ngời, ý kiến trình bày của các chuyên gia đã nêu bật những cơ hội và thách thức đối với Đề án Mang Thít; đồng thời đưa ra những gợi ý quan trọng đối với các hành động địa phương cần ưu tiên thực hiện. Theo đó, Đề án có tính khả thi cao song tỉnh cần nỗ lực thay đổi trên nhiều khía cạnh từ tư duy, thái độ tới hành động của chính các tác nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi như: Tư duy, chính sách từ phá bỏ để phát triển sang bảo tồn, phục hồi và chuyển đổi để phát triển; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ đơn ngành sang đa ngành; thái độ, tinh thần của người dân địa phương từ vị thế “làm công” sang “làm chủ” trên chính mảnh đất, "gia tài" cha ông để lại…

Để triển khai thành công Đề án, Vĩnh Long cần thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp về pháp lý, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật - làng nghề và truyền thông. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với các đơn vị liên quan, đặc biệt là đối với huyện Mang Thít nghiên cứu trên cơ sở góp ý của các chuyên gia để tham mưu, điều chỉnh, bổ sung Đề án sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ban Thường vụ và Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn lò trong cả quần thể; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương huy động nguồn lực, sáng kiến bảo trì lò, ban hành bộ hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng lò cho các mục đích thương mại, dịch vụ.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu lập quy hoạch cho vùng di sản và vùng lõi di sản với mức độ quy hoạch chi tiết tăng dần để tạo cơ sở pháp lý trong quản lý về không gian kiến trúc cảnh quan và quản lý về vấn đề xây dựng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động xúc tiến, khuyến khích và hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược có tinh thần tương thích với Đề án, cam kết về phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và các lợi ích khác về uy tín, văn hóa, xã hội, môi trường.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Khai mạc Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022
Khai mạc Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022

Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" đã khai mạc tối 17/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN