Du khách thích thú trải nghiệm ‘vẽ’ tranh Đông Hồ

Trong khuôn khổ triển lãm "Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay", du khách thích thú khám phá các thao tác để tạo ra một bức tranh Đông Hồ. Đưa dòng tranh dân gian đến gần hơn với cộng đồng giúp người xem hiểu, cảm và thực hành cũng là cách hữu hiệu để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế mang đến triển lãm bộ khuôn cổ tranh Đông Hồ đã hàng trăm năm tuổi để du khách thưởng lãm.

Là người đưa khuôn cổ tranh Đông Hồ tới Thủ đô để du khách thưởng lãm, cũng là một trong những người góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, duy trì dòng tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế, 84 tuổi, làng Đông Hồ, Song Hồ, Thuận Thành (Bắc Ninh) chia sẻ: Ông rất tự hào về dòng tranh của dân tộc Việt, người Đông Hồ từ nhiều đời đã tạo khắc những khuôn tranh mang tính thời sự, hơi thở của cuộc sống đời thường.

Chú thích ảnh
Những bức tranh Gà, Lợn, Hứng dừa, Đánh ghen… mộc mạc, dân dã luôn cuốn hút, níu kéo du khách thăm quan triển lãm. Chính những bức tranh này đã tạo cảm hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm viết câu thơ nổi tiếng: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”.

Vào những năm 1945, các nghệ nhân Đông Hồ tạo ra khuôn tranh "Bác Hồ với thiếu nhi". Trước những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc, họ cũng từng khắc khuôn tranh Bắn rơi máy bay Mỹ, Bình dân học vụ...

Chú thích ảnh
Những màu sắc tự nhiên đã làm nổi bật độ sắc, nét của bức tranh Đông Hồ xưa được giữ gìn tới tận bây giờ. Màu xanh của chàm, màu đỏ của gỗ vang, của đất đỏ, màu vàng của hoa hòe, màu đen của tre rụng và màu trắng óng ả của vỏ điệp tán nhỏ quét lên trên giấy dó hòa quyện thành những đi qua hàng trăm năm lịch sử dòng tranh dân gian.
Tranh Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng trong các dòng tranh dân gian của Việt Nam với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo. Gần 400 năm trôi qua, dòng tranh này vẫn, đã và đang là sản phẩm văn hóa tinh thần, có giá trị nghệ thuật dối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Bên cạnh dòng tranh cổ với gà thư hùng, lợn ăn lá ráy, em bé trong tranh vinh hoa phú quý; tranh Đông Hồ với hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, hình ảnh tranh nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn; còn có dòng tranh mới của các nghệ nhân cải tiến.

Trước thực tế có những thời điểm tranh Đông Hồ bị lãng quên, người Đông Hồ bằng nhiều cách đã đưa cộng đồng đến gần hơn với tranh cổ. Bên cạnh cách chế tạo ra các tranh mới mang hơi thở cuộc sống, làng tranh mở cửa đón khách thăm quan du lịch. Các du khách đến với làng cổ sẽ có cơ hội trải nghiệm tìm hiểu về cách làm tranh, tự tay làm các bước đắp màu cho tranh...

Chú thích ảnh
Vẽ tranh Đông Hồ hay gọi đúng là in tranh. Ván in được đặt lên giấy điệp theo cữ, dùng xơ mướp xoa lên phía sau tờ giấy để màu bắt đều nét. Cứ như vậy cho đến đủ các màu, màu đen - tức là ván nét được in cuối cùng và do người khéo tay nhất thực hiện.
Chú thích ảnh
Cùng một mẫu tranh do một nghệ nhân sáng tác, từ cắt ván đến độ khéo léo, thuần thục khi in cũng có thể tạo ra những bức tranh khác nhau.

Dòng tranh độc đáo có một không hai vùng Kinh Bắc từ đó mà dần sống lại. Cho tới nay, không chỉ có du khách nước ngoài, các em học sinh các nơi đã về với làng tranh truyền thống để cùng thấm nét văn hóa dân tộc.

Chú thích ảnh
Những ván tranh bằng gỗ thị, gỗ mực, gỗ vàng tâm cùng những vật dụng khác để làm ra một bức tranh Đông Hồ.
Chú thích ảnh
Từ một khuôn tranh đơn giản, qua bàn tay và tâm huyết của các nghệ nhân nhiều thế hệ, tranh Đông Hồ vẫn có sức sống bền lâu cùng năm tháng.

Ở thời điểm hiện tại, tranh dân gian Đông Hồ đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tháng 12 tới trình Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, làm tiền đề cho việc trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Để tranh Đông Hồ đi vào đời sống cũng chính là một cách góp phần bảo vệ dòng tranh quý của dân tộc.

Xem clip du khách thích thú khi được tự trải nghiệm làm tranh Đông Hồ:

Triển lãm "Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay" diễn ra trong 3 tháng từ 31/10/2019 đến 31/1/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Bài, ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức
Tranh dân gian Đông Hồ - giá trị cần phát huy
Tranh dân gian Đông Hồ - giá trị cần phát huy

Tranh dân gian Đông Hồ đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tháng 12 tới trình Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, làm tiền đề cho việc trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN