Nói đến tranh Đông Hồ, nhiều người vẫn thường nhớ đến “Đám cưới chuột”, “Mẹ con đàn lợn”, “Hứng dừa”, “Đánh ghen”… nhưng có lẽ còn ít người biết, tranh Đông Hồ cũng có những bức tranh nói về phong trào Âu hóa, những bức tranh đả kích, phê phán những mặt trái của xã hội phong kiến thời Pháp thuộc, và cả những bức tranh cổ động phong trào lao động, sản xuất sau giải phóng… Điều này cho thấy, trong quá trình sáng tạo, các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ đã bám sát theo thời cuộc.
“Phong tục cải lương” - một trong những bức tranh có chủ đề bám sát thời cuộc. |
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, tranh Đông Hồ được các nghệ nhân sáng tạo theo thời gian, và theo từng giai đoạn lịch sử, những biến đổi trong đời sống xã hội cũng được các nghệ nhân đưa vào trong tranh. Đó là vào thời kỳ phong trào Âu hóa phát triển rầm rộ, nhiều bức tranh phê phán, đả kích sự lai căng, lố bịch. Đó là bức tranh “Nhảy đầm” mô tả một quầy bar, có ly, cốc, có bồi bàn, có rượu Tây với hai đôi trai gái dẫn nhau trong điệu nhảy valse. Bộ tranh đôi “Trai tứ khoái”, “Gái bảy nghề” phê phán thói sinh hoạt đàng điếm của đám trai, gái thị thành thời thực dân Pháp, làm mất đi thuần phong mỹ tục. Hay bộ tranh đôi “Phong tục cải lương”, “Văn minh tiến bộ” vẽ ông tây - bà đầm từ cách đây gần trăm năm…
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta vừa từng bước khắc phục khó khăn, diệt giặt dốt, giặc đói, rồi lại trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... những nghệ nhân làm tranh Đông Hồ cũng “tình nguyện” hòa mình vào công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Nhiều bức tranh vẽ về bình dân học vụ, xóa mù chữ diệt giặc dốt hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có bức tranh vẽ buổi biểu diễn văn nghệ, hai cô gái nông dân múa, có đủ dàn nhạc trống phách, phía trên có lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng búa liềm và hai câu ca dao “Cùng nhau múa hát mấy bài/Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang”.
Nhiều bức tranh Đông Hồ được các nghệ nhân vẽ để cổ động cho phong trào lao động sản xuất như “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “Bảo vệ hòa bình”, “Kiến thiết quốc gia”… hay những bức tranh vẽ cảnh cày cấy, tát nước trên đồng ruộng cùng với khẩu hiệu “Canh nông vi bản”, “Tăng gia sản xuất”… nhiều bức tranh vẽ có kèm theo những câu ca dao, tục ngữ được cải biên khắc luôn vào ván bằng chữ Quốc ngữ cho dễ thuộc dễ nhớ như lời vận động “Phân nhiều thóc hẳn đầy kho/Cải tiến công cụ đỡ cho sức người”, hoặc “Hoan hô phụ nữ Việt Nam/Sản xuất chiến đấu đảm đang anh hùng”. Những tranh này vừa phản ánh vừa ca ngợi động viên mọi người hăng hái đóng góp cho Tổ quốc giàu mạnh với niềm tin sắt son vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, bản thân ông, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã sáng tạo ra khoảng hơn chục bức tranh có đề tài mới, như “Đổi công hợp tác”, “Hợp tác xã mua bán”, rồi “Cải tiến nông cụ”... Có cả những bức tranh vẽ về thời gian chống chiến tranh phá hoại của địch như “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Phụ nữ ba đảm đang” và đặc biệt là bức “Không cho chúng nó thoát”, được ông vẽ lại cảnh tượng quân và dân ta bắt giặc lái Mỹ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972… Ông tâm sự, nhiều người nước ngoài sau này còn đến hỏi mua bức tranh này của ông.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, những bức tranh sáng tác trong giai đoạn trên có thể coi là dòng tranh cổ động, kháng chiến của người Đông Hồ. Những bức tranh đó cho thấy, các nghệ nhân Đông Hồ khi vẽ tranh đều quan sát cuộc sống và hiểu rất rõ về cuộc sống… Cũng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bám sát thời cuộc là một trong những đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy ở tranh Đông Hồ.
Bài và ảnh: Phương Lan
Bài 3: Những thăng trầm nghề làm tranh