Những thăng trầm nghề làm tranh

Dòng tranh Đông Hồ đặc sắc là thế, mang đậm hồn dân tộc là thế, nhưng cũng không thoát khỏi những bước thăng trầm và đang có nguy cơ mai một bởi những biến động của lịch sử, sự thay đổi và phát triển của xã hội và sự du nhập của quá nhiều loại hình văn hóa không được chọn lọc kỹ đã át đi sức sống của tranh làng Hồ.

 

 

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam rất ưu tư khi thấy nghề làm tranh Đông Hồ bị mai một.

Những ngày cuối tháng 3/2013, chúng tôi tìm về làng tranh Đông Hồ. Trong không gian làng quê yên ả, chúng tôi được nghe các nghệ nhân kể chuyện về làng tranh Đông Hồ. Ngôi làng cổ trầm mặc bên dòng sông Đuống. Hỏi đường đến nhà những nghệ nhân còn làm tranh Đông Hồ, ai cũng đều chỉ vào nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, bởi đơn giản là cả làng hiện chỉ còn có gia đình của 2 nghệ nhân ấy là còn theo nghề, còn lại những gia đình khác đã chuyển nghề làm vàng mã để mưu sinh.


Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà xây theo kiểu cổ tại Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cho biết: Nghề làm tranh Đông Hồ có từ thế kỷ 16, đến nay đã tồn tại trên 500 năm. Cho đến nay, vẫn chưa có ai nghe nói đến ông tổ làng nghề, mà tất cả những tinh hoa của dòng tranh dân gian này đều được lưu truyền qua bàn tay các nghệ nhân dân gian từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Trước năm 1944, dòng tranh này ở thời kỳ phát triển cực thịnh. Khi đó, cả làng Đông Hồ có 2 nghề chính là nghề vẽ tranh bán Tết và nghề làm vàng mã. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, làng tranh Đông Hồ quanh năm tấp nập, trong làng có tới 17 dòng họ cùng nhau làm tranh. Thông thường, từ tháng giêng đến rằm tháng bảy âm lịch, cả làng làm vàng mã. Từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, cả làng lại chuyển sang làm tranh bán Tết. “Khi ấy, vui nhất là tháng 12 âm lịch, bởi trong tháng có 6 phiên chợ đặc biệt, đó là phiên chợ tranh. Phiên đầu tiên mở vào ngày mùng 1, sau đó cứ cách 6 ngày lại mở một phiên, đó là vào ngày 6, 11, 16, 21, 26 tháng chạp, người dân khắp nơi đổ về chợ tranh để mua tranh, rồi lại đổ đi các ngả bán cho người dân mua chơi Tết. Không khí trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp, rộn ràng, người mua, kẻ bán tấp nập” - nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ lại.


Nhưng rồi, giọng ông lại chùng xuống: “Tiếc là từ sau năm 1945, khi giặc Pháp đến chiếm đóng trong làng, do sơ tán, loạn lạc nên không còn mấy người làm tranh, cũng không còn người mua tranh nữa, cả làng đều chuyển sang làm hàng mã để kiếm sống”.


Năm 1967, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ) ký hợp đồng với Nhật Bản thành lập Đội sản xuất tranh. Từ năm 1970 đến 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước. Đây cũng là thời kỳ làng tranh phát triển trở lại, lúc đó nhiều gia đình tham gia vào tổ hợp sản xuất tranh xuất khẩu. Nhưng từ cuối những năm 80 và đặc biệt từ năm 1990 trở lại đây, do sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ, thói quen chơi tranh Đông Hồ của người dân không còn, tranh sản xuất ra không có người mua. Bên cạnh đó, tác động của kinh tế thị trường và sự xuất hiện của nhiều hình thức in hiện đại như in lưới, dùng bột màu thay cho chất liệu thiên nhiên trở nên phổ biến đã làm cho dòng tranh mất dần đi những nét đặc trưng vốn có, làng tranh Đông Hồ rơi vào quên lãng, cả làng hầu như không còn có người làm tranh, mà chuyển hẳn sang làm hàng mã để sinh sống.


Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm sự: “Sinh ra và lớn lên cùng nghề làm tranh, lại may mắn được đào tạo trong môi trường nghệ thuật, tôi hiểu rõ nguy cơ mai một của nghề tranh truyền thống. Tiếc nghề truyền thống của cha ông, nên khi về hưu năm 1991, tôi đã bàn với gia đình thôi không làm vàng mã, mà quay lại làm tranh. Vậy là trên cơ sở những bản khắc gỗ của cha tôi để lại, tôi vận động những gia đình khác trong làng nhượng lại những bản khắc gỗ mà họ không dùng đến nữa, đồng thời tự tay tôi cũng khắc thêm nhiều bản khắc gỗ khác và in tranh bán”.


Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, trước đây là tổ trưởng tổ sản xuất tranh Đông Hồ xuất khẩu, cũng là người gắn bó sâu sắc với nghề làm tranh. Ông Sam tâm sự: “Tôi dành cả đời mình giữ nghề, mong phát triển nghề tranh, bởi đây là giá trị văn hóa vô tận của cha ông để lại. Hàng trăm bức tranh, bức nào cũng chứa đựng những ẩn ý sâu xa, chứa đựng hồn văn hóa dân tộc mà thế giới phải kính nể...”. Ông Sam cho biết, ông rất buồn khi thấy nghề làm tranh Đông Hồ bị mai một, khi cả làng chuyển sang nghề vàng mã, dù phải trải qua nhiều khó khăn, nhưng ông cùng các con vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Ông khẳng định: “Đây là kho báu của cha ông, nếu không để ý đến, không gìn giữ bảo vệ kho báu này thì chúng ta có tội với tổ tông...”. Có lẽ vì thế mà ông vận động các con mình cố gắng giữ nghề. Và hiện nay, con trai ông, anh Nguyễn Hữu Quả cũng đang tiếp tục theo nghề vẽ tranh. “Đối với tôi, đó là “niềm vui không tưởng”, vì gia đình ông vẫn có người tiếp tục gìn giữ được kho báu của tổ tiên...”.


Bài và ảnh: Phương Lan

 

Bài cuối: Tìm đầu ra để tranh tiếp tục sống...

Tìm “đường sống” cho nghề làm tranh Đông Hồ
Tìm “đường sống” cho nghề làm tranh Đông Hồ

Sau khi được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trong giai đoạn 2012- 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN