Phát triển công nghiệp văn hóa từ hạ tầng
Trong những năm qua, công nghiệp văn hóa thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp, người lao động, các nhà sáng tạo... Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong thực hiện các dự án, công trình văn hóa lớn đã bồi đắp bức tranh phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam với nhiều mảng màu tươi sáng. Sự xuất hiện của nhiều công trình văn hóa mới như các nhà hát, công viên văn hóa, trung tâm thể dục thể thao... hiện đại, có quy mô lớn, đa chức năng được thực hiện theo hình thức đối tác công- tư cho thấy đây là hướng đi đúng đắn.
Chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Một trong những đóng góp quan trọng của các lĩnh vực này là việc quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã 4 lần được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hoá - một trong 12 ngành công nghiệp văn hoá đối với cộng đồng quốc tế.
Tuy vậy, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn hạn chế, chưa có được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thực tế cho thấy, nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hoá.
Theo đó, mục tiêu hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm tại các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh từ hạ tầng cơ sở nhận được sự quan tâm. Để hình thành những trung tâm lớn, các thành phố này có được yếu tố quan trọng là những công trình văn hóa lớn cùng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh để tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho rằng, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường để phát triển công nghiệp điện ảnh.
Đại diện của thương hiệu luôn tiên phong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng văn hóa, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group chia sẻ: Cần coi nhiệm vụ quy hoạch công nghiệp văn hóa cũng như xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch công nghiệp văn hóa từng thời kỳ là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, quy hoạch công nghiệp văn hóa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân chia tới từng vùng, tỉnh, đơn vị một cách đồng bộ và phù hợp.
Cần cơ chế ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa
Để tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa liên quan đến văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, tác phẩm văn học nghệ thuật tốt, hấp dẫn chưa đủ để đóng góp vào công nghiệp văn hóa. Văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức trí tuệ sáng tạo tác phẩm, mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng, trực tiếp tham gia vào chuỗi công nghiệp văn hóa.
Từ vị trí của các đơn vị tham gia vào phát triển công nghiệp điện ảnh, nhiều đại diện doanh nghiệp chia sẻ mối quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đơn cử như việc các rạp chiếu phim cần được giảm giá, hoặc những địa điểm xa trung tâm thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.
Từ không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine, bà Trương Uyên Ly đưa ra ý kiến: Các không gian sáng tạo đang kết nối chặt chẽ các nghệ sĩ, truyền thông và đem các tác phẩm của nghệ sĩ đến với công chúng. Trên thực tế, nhiều không gian sáng tạo Việt Nam đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ và hào hứng trải nghiệm, tham gia của công chúng.
Hiện nay, không gian sáng tạo đã và đang có những tác động tích cực như tạo việc làm mới, cải tạo cảnh quan của khu vực, giảm tình trạng ô nhiễm. Nhà máy bỏ hoang, bãi đất trống được biến thành địa điểm âm nhạc, quán café, tạo không gian cho giới trẻ.
Không gian sáng tạo cũng giúp giảm bớt ô nhiễm rác thải. Những không gian ô nhiễm được cải tạo thành không gian tươi mới, sạch đẹp. Tuy nhiên, các không gian sáng tạo gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển như: Thuế, hạn mức thuê... Có thể thấy, thách thức lớn trong phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là thiếu sự liên kết, chưa đồng bộ, nhận thức về sức mạnh công nghiệp văn hóa chưa đồng đều.
Là người có nhiều kinh nghiệm với việc sản xuất các sản phẩm giải trí như đạo diễn các sân khấu cuộc thi hoa hậu, liên hoan phim, các chương trình truyền hình thực tế..., đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết: Với tốc độ tăng trưởng gần đây, công nghiệp văn hóa đang được công nhận là ngành kinh tế có khả năng cạnh tranh ngày càng cao ở cả thị trường trong và ngoài nước, điều này cho thấy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang khai thác thành công của nguồn lực thông qua hoạt động và dần thu hẹp khoảng cách và năng lực cạnh tranh với các đối thủ trên toàn thế giới.