Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm ảnh hưởng và giá trị to lớn, mang tính thời sự cao; đã nêu bật, khẳng định được quan điểm của Đảng là “luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa, hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”. Đồng thời, bài phát biểu một lần nữa khẳng định nhất quán trong việc xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm về “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Điều này khẳng định vai trò hết sức quan trọng của văn hóa mà không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào khi văn hóa gắn liền với sự tồn vong của dân tộc. Văn hóa là tinh hoa, tinh túy được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình, tiến bộ. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như lời hiệu triệu của người đứng đầu quốc gia có giá trị kêu gọi, thúc giục mỗi người dân Việt Nam. Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, hơn ai hết, ông Lại Đức Đại thấy càng có trách nhiệm cao hơn, cần cố gắng hơn trước Đảng, trước nhân dân, nhất là trước vận mệnh của dân tộc.
Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân cư đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, từ văn hóa các dân tộc đến văn hóa vùng miền. Nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, tỉnh nằm trong Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đây vừa là lợi thế, vừa là trách nhiệm đối với tỉnh, nhất là đối với những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp, mang lại những thành quả ấn tượng đối với sự phát triển mọi mặt của tỉnh nói chung và trên lĩnh vực văn hóa nói riêng. Để phát huy những thành quả đạt được và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ông Lại Đức Đại cho rằng, cần có những chính sách, giải pháp căn cơ và thiết thực hơn nữa trong xây dựng và thực thi các chính sách tại địa phương.
Để “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định xây dựng tỉnh “Giàu đẹp, văn minh và bản sắc”. Với tinh thần đó, toàn Đảng bộ đã xác định rõ vai trò của văn hóa hết sức quan trọng. Các nghị quyết của Đảng bộ, HĐND và chương trình, kế hoạch của tỉnh đều chú trọng vào phát triển văn hóa.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, với một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình và an ninh phức tạp, nguồn lực có hạn, nên việc đầu tư cho văn hóa để phát triển xứng tầm theo yêu cầu còn gặp nhiều khó khăn. Để địa phương có được những bứt phá hơn nữa, việc ưu tiên đầu tư nguồn lực cho Đắk Lắk là điều cần thiết để tỉnh phát triển xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên, tạo động lực cho phát triển cả vùng.
Là một tỉnh được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với 49 thành phần dân tộc, Đắk Lắk cần có chính sách đặc thù, nhất là trên lĩnh vực văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bởi vì trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người.