Một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Nỗ lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được coi là dấu mốc quan trọng, kỳ vọng tạo ra “cú hích” nhằm nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cũng như tầm quan trọng của việc chấn hưng, phát triển văn hóa.

Sau một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, toàn ngành văn hóa, các địa phương đã có những bước tiến mới trong việc tạo ra động lực nhằm phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Hoàn thiện thể chế để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa

Chú thích ảnh
Quang cảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh tư liệu: Văn Điệp/TTXVN

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu, nêu nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh cần thực hiện giải pháp: “Đối với công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần nêu rõ: Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định một trong ba khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện, đồng bộ thể chế và phải thực hiện trong suốt nhiệm kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Những năm gần đây, toàn ngành văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa", xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để "khơi thông nguồn lực" và "thúc đẩy sáng tạo". Qua đó, toàn ngành tăng cường "củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa" nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán có sự tài trợ một phần của Nhà nước, xây dựng cơ chế đặc thù với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Trên tinh thần "tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ", quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các cấp có thẩm quyền; phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định nhằm chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm.

Thông qua 4 Kỳ họp Quốc hội, trong lĩnh vực văn hóa, Bộ đã trình Chính phủ báo cáo để Quốc hội thông qua 2 dự án luật. Trong đó, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xác định như một công cụ quản lý, đồng thời tạo ra bước phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách là một loại hình kinh tế.

Dự án luật thứ hai vừa được Quốc hội ấn nút thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 465/474 phiếu tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội). Việc thông qua Luật này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành gia đình Việt Nam văn hóa, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; từ đó tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ngay từ chính gia đình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng Nghị định, tìm những vấn đề đang còn những khoảng trống, chưa có chế định để kịp thời bổ sung, hoàn thiện. Bộ đã chủ động rà soát và chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành các luật, nghị định. Trong đó, nghị định đang được Chính phủ xem xét ban hành là nghị định về phát triển văn học. Đây là khâu khó mà trong nhiều nhiệm kỳ qua, ngành văn hóa chưa có văn bản quy phạm pháp luật để quản lý.

Đi kèm với đó là nghị định về chính sách cho những người làm công tác nghệ thuật có tính chất đặc thù. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Họ là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa của Đảng và nhiệm vụ của họ rất đỗi quang vinh. Nếu không có những chính sách này, chúng ta sẽ rất khó để có những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian.

Bộ đang đề xuất với Chính phủ xem xét để trình Quốc hội trong nhiệm kỳ này tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi Luật Di sản văn hóa, coi đây là điểm phát triển khi chúng ta không chỉ quản lý các di tích, di sản, mà coi di tích, di sản là một trong những nguồn tài nguyên văn hóa của đất nước. Đây là nguồn tài nguyên được trao truyền từ thế hệ cha ông để lại và từ thiên nhiên ban tặng mà chúng ta phải biết cách khai thác để hiện thực hóa nó và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Khái quát lại những công việc như vậy để thấy rằng, chúng ta đã có những nỗ lực, đi đúng hướng, làm đúng cách và thực sự chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa bằng công cụ pháp luật. Bên cạnh sự nỗ lực chung trong vấn đề hoàn thiện thể chế theo đúng sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ý thức một cách sâu sắc rằng việc ban hành luật đã khó nhưng để luật đi vào thực tiễn lại càng khó khăn hơn.

Chính vì vậy, Bộ đã nghiên cứu nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và từ sức mạnh mềm của văn hóa để lan tỏa, phổ biến pháp luật. Thông qua loại hình nghệ thuật, chúng ta truyền tải được những nội dung cần đến với công chúng, với nhân dân. Điều này trong thực tiễn kiểm nghiệm bước đầu đã thành công. Đây là một cách làm sáng tạo và quả thực là một hướng đi để lan tỏa, đưa luật vào cuộc sống một cách sáng tạo, thay vì chỉ đọc các điều luật một cách khô khan trong các hội nghị...
 
Tín hiệu tích cực từ cơ sở

 

Chú thích ảnh
Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn văn hóa với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa”. Ảnh tư liệu: TH

Năm 2022, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện chủ đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ. Trong đó, môi trường văn hóa là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy du lịch, thể thao phát triển. Xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa… cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Các địa phương đã tích cực hưởng ứng nhiệm vụ này, lồng ghép với việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đến nay, Lào Cai đã bước đầu đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Trong đó, công tác tuyên truyền được các địa phương,  đơn vị tiến hành với hình thức phù hợp, sáng tạo. Nội dung tuyên truyền đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam; hình thức được quan tâm đổi mới, có sức lan tỏa sâu rộng…

Còn tại tỉnh Kiên Giang, nhiều nguồn lực đã được huy động, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa. Từ cuối năm 2021 đến nay, các hoạt động, nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương được tập trung huy động, góp phần phát triển văn hóa tại địa bàn. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, công trình văn hóa cũng được quan tâm đầu tư trên 396 tỷ đồng. Công tác quy hoạch đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch được chú trọng. Nhìn chung, các hoạt động đã phát huy được các nguồn lực xã hội, nhất là những công trình lớn. Sự đóng góp này từ xã hội đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào văn hóa, thể thao trong toàn tỉnh nói riêng và cũng là nguồn lực trong các phong trào xã hội khác…

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh được thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) chú trọng thực hiện, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Thành phố phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các thôn, khu phố; bổ sung Quy ước cộng đồng các khu dân cư với tiêu chí phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, tạo sự đồng thuận cao, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa của cộng đồng.

Tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, cơ quan, đơn vị trường học văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất ở khu dân cư từng bước được hạn chế và xóa bỏ. Văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được khuyến khích, nhất là trong công tác từ thiện, nhân đạo.

Tuy vậy, ý kiến từ cơ sở cũng cho rằng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới để công tác văn hóa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong đó, đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của người dân còn chênh lệch giữa thành phố, nông thôn, nội thành với vùng ven, vùng biển, vùng sâu, vùng xa. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục di sản văn hóa dân gian có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Sự giao lưu văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhiều loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào nước ta, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ, khiến cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị lãng quên. Mặt khác, việc khai thác đưa vào sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa mang lại hiệu quả cao. Có nơi, có lúc, nội dung, hình thức tổ chức chưa phong phú, hấp dẫn, chưa thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là các nhà văn hóa thôn, khu phố.

Cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, nhân dân, nhất là các nghệ nhân, diễn viên tham gia hoạt động văn hóa, bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát triển văn hóa ở nhiều địa phương còn chưa có. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư từ ngân sách và huy động xã hội hóa cho công tác phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đề ra…
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã khẳng định: Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn, thách thức của ngày hôm nay cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước. Nên hy vọng văn hóa Việt Nam sẽ có được đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm, đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Thanh Giang (TTXVN)
Triển khai chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Triển khai chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam

“Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là chủ đề của Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12 tới. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 800 đại biểu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN