Bìa tập thơ “Sẹo độc lập”. |
Sau rất nhiều trao đi đổi lại trên facebook, sau tới hai lá thư gửi cho báo chí, lá đầu tiên bị người trong cuộc (nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan) cũng như dư luận coi là chưa có tinh thần hối lỗi và lá thứ hai ngày 21/10, được khẳng định là “rất chân thành và cầu thị”, câu chuyện về bản quyền giữa hai nữ sĩ họ Phan và giữa bài thơ “Buổi sáng” (Phan Ngọc Thường Đoan) và “Bạch Lộ” (Phan Huyền Thư) đã khép lại.
Lá thư của Phan Huyền Thư viết:
“Kính gửi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan,
Trên công luận, hôm nay tôi chính thức gửi lời xin lỗi tới cá nhân chị. Tôi sẽ coi đây là một bài học lớn trong đời mình, một bài học sâu sắc nhất về thái độ sống và viết.
Tôi cũng xin chính thức tiêu hủy bài thơ "Bạch lộ" trong các lần ấn bản, tái bản sau này, để từ nay trong gia tài văn học Việt nam chỉ còn tồn tại một bài thơ "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan đã từng xuất bản trong tập thơ “Đếm Cát” năm 2003 mà thôi.
Tôi đã gửi lời xin lỗi chính thức đến Ban tổ chức Giải thưởng Văn học 2015 HNVHN và chị cùng các độc giả, bạn bè trên công luận. Nhưng đây là lời xin lỗi dành riêng cho chị, vì tôi hiểu chị vẫn cảm thấy bị tổn thương khi đọc lời xin lỗi đó, tôi thừa nhận "Bạch lộ" là bài thơ ra đời sau bài thơ "Buổi sáng" của chị.
Vì thời gian và công việc của tôi đã được lên kế hoạch từ trước, tôi phải đi công tác nước ngoài dài ngày nên trước khi đi, tôi muốn chính thức xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và nhận lỗi này hoàn toàn thuộc về mình, không để cho việc thời gian trôi đi mà lời xin lỗi của tôi trước đây chưa thực sự làm chị cảm thấy được sự chân thành, hối lỗi nên chị vẫn còn buồn bực.
Chị có thể không chấp nhận lời xin lỗi này, nhưng tôi thấy cần thiết phải làm việc đó cho lương tâm mình được thanh thản và mong rằng cả hai chị em ta sẽ cùng vượt qua được những thời khắc tồi tệ này để lại có những tác phẩm hay đến với bạn đọc.
Chân thành xin lỗi chị”
Sau lá thư của Phan Huyền Thư, một nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng chia sẻ: “Chị đã đi đường vòng, nhưng đã đến đích”.
Vâng, quả là Phan Huyền Thư đã “đến đích” trong việc thừa nhận việc làm sai của mình, mà cụ thể là việc đạo thơ và khẳng định đã nhận được “một bài học lớn trong đời”...
Vụ việc này coi như khép lại. Nhưng điều khiến dư luận băn khoăn hơn là, nếu đào sâu hơn một chút nữa, năm 2007, Phan Huyền Thư cũng đã bị tố “đạo văn” và cũng đã phải lên tiếng xin lỗi. Cụ thể, Phan Huyền Thư “đạo văn” của các tác giả Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc khi viết trên poster về Thanh Tâm Tuyền tại “Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 5”, diễn ra tại Văn Miếu. Tiếp đó lại thêm một thông tin rằng những gì Phan Huyền Thư viết trên poster về nhà thơ Ngô Kha cũng là một sản phẩm “đạo văn”. Vụ việc bị phát giác và công bố trên một website của người Việt ở hải ngoại và Phan Huyền Thư đã có lời xin lỗi gửi đến các tác giả Đặng Tiến, Bùi Bảo Trúc. Tuy nhiên, sau đó, trả lời phỏng vấn trên một tờ báo trong nước, nhà thơ lại khẳng định mình không hề “đạo văn” mà đó chỉ là công việc “sưu tầm”.
Lớn hơn nữa, khi vụ việc đạo thơ của Phan Huyền Thư nóng trên diễn đàn; thì bên cạnh rất nhiều ý kiến khen chê, một nhà thơ nổi tiếng cho rằng, ở đây coi như Phan Huyền Thư chỉ là “nghịch dại” mà thôi! Cũng kha khá người trong giới chua chát mà rằng: Việc đạo văn, đạo thơ ở Việt Nam là việc cơm bữa ấy mà; đến mức đã được coi là bình thường rồi. Các nhà thơ, nhà văn nhà ta toàn “mượn nhầm”, có khi cả khổ, có khi là ý tưởng và cũng có khi là... cả bài thơ. Nhất là với những nhà thơ, nhà văn địa phương. Kha khá vụ việc các tác phẩm thơ đoạt giải của các nhà thơ địa phương đã bị tố là copy của các nhà thơ lớn, hoặc từ những bài thơ dịch và đã phải rút giải thưởng. Thế nên không có gì lạ khi đến cả Phan Huyền Thư cũng đạo thơ, nhất là đạo có... chỉnh sửa. Chỉ là ai bị lộ và ai chưa bị lộ mà thôi!
Có lẽ đây là nhận xét hơi quá khích và chua chát; nhưng vấn đề phải thừa nhận là có một “thị trường thơ đạo” trong đời sống văn học của Việt Nam, và đây là một điều thật sự đáng báo động, khi mà chúng ta đang trong quá trình hội nhập và hội nhập ngày càng sâu với thế giới, đồng thời cũng tham gia rất nhiều công ước quốc tế về bản quyền. Sẽ ra sao khi những vụ vi phạm không còn trong phạm vi quốc gia mà đã ra ngoài biên giới Việt Nam, với những án phạt tiền tính bằng vài chục ngàn, vài trăm ngàn USD? Sẽ ra sao nếu đến một ngày nền văn học Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, sẽ bị tẩy chay vì không đảm bảo được vấn đề bản quyền khi hội nhập.
Trước lời xin lỗi của Phan Huyền Thư, Hội Nhà văn đã thu hồi giải thưởng của tập thơ “Sẹo độc lập” trong đó có bài Bạch Lộ. Sau lời xin lỗi của Phan Huyền Thư, Nhà xuất bản (NXB) Lao Động và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, đơn vị xuất bản tập thơ “Sẹo độc lập” quyết định dừng phát hành tập thơ này trên toàn quốc, cả ở hệ thống các hiệu sách lẫn hệ thống phát hành trực tuyến. Đó là những cái giá rất nhỏ mà Phan Huyền Thư phải nhận, cùng với cái giá lớn hơn là sự coi thường của dư luận, người trong giới; sự đau đớn, những ê chề mà chị đã phải hứng chịu những ngày qua...
Tôi vẫn nhớ khi chia sẻ về vụ việc này, một người bạn của tôi có đặt câu hỏi: “Tại sao Phan Huyền Thư làm vậy nhỉ, chị ấy đã đủ giỏi và nổi tiếng rồi mà?”. Vâng, tôi cũng không hiểu tại sao, nhất là khi tôi nhớ, chính chị đã từng mất cả năm trời lăn lộn cùng xóm chạy thận ở Hà Nội, làm một bộ phim tài liệu khiến người xem rơi nước mắt về cuộc sống của những người bất hạnh này. Chính chị, đã tự bỏ tiền thuê một chuyến xe ô tô để chở các nhân vật của mình tới xem bộ phim hôm công chiếu... Tôi vẫn nhớ, hôm ấy chị rất tất bật, quần bò áo sơ mi giản dị và mắt thì lấp lánh yêu thương...
Sao không giữ mãi những hình ảnh như thế về mình, để dư luận luôn yêu một người phụ nữ rất cá tính, rất đa tài này nhỉ? Thôi thì, ai cũng có lúc sảy chân, hãy vì chính chúng ta, tha thứ cho chị và cầu mong, sẽ không có lần thứ ba nữa cái tên Phan Huyền Thư bị nhắc tới cùng một vụ đạo văn, đạo thơ...