Giống như nhiều nước phát triển khác, lĩnh vực bản quyền tác giả Việt Nam đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền. Làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho các chủ sở hữu tác phẩm, đồng thời tạo thuận lợi cho người sử dụng tiếp cận các nguồn tư liệu một cách hợp pháp, là chuyện không đơn giản.
Sao chép tràn lan
Tại một hàng photocopy trên đường Lê Xuân Quảng (Gia Lâm, Hà Nội), rất nhiều sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội xếp hàng chờ để phô tô sách, tài liệu, giáo trình hỗ trợ cho chương trình học. Thu Hường, một sinh viên trong trường cho biết, sở dĩ em đi photocopy tài liệu vì giá rẻ hơn mua, cũng có một số cuốn sách vì không dễ tìm mua nên phải đi photocopy về dùng. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng photocopy ở đây cho biết, cửa hàng của chị thường xuyên nhận phô tô tài liệu, nhất là vào dịp đầu năm học hoặc mỗi khi đến gần kì thi.
Việc photocopy bất hợp pháp sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả. Ảnh: CTV |
Không riêng gì cửa hàng photocopy ở đường Ngô Xuân Quảng, dạo một vòng quanh các cửa hàng photocopy, mới thấy, tình trạng photocopy sách, tài liệu tham khảo ở cửa hàng nào cũng có. Sách photocopy tuy không đẹp bằng sách in, nhưng giá thường rẻ hơn từ 20 - 30% so với giá bìa của sách gốc.
Có thể nói, tình trạng sao chép sách, tài liệu tham khảo để sử dụng nội bộ trong các trường học, thư viện, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân và làm bản sao bán trên thị trường hiện nay đang diễn ra tràn lan. Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và viễn thông, đã làm gia tăng quy mô và hoạt động của nạn sao chép trái phép các tác phẩm bằng công nghệ số và sử dụng trái phép tác phẩm trên mạng. Theo PGS.TS Trần Quang Nhiếp, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, tình trạng sao chép tràn lan này làm ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của các tác giả và nhà xuất bản. Không những thế, nạn xâm phạm này còn tạo rào cản lớn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, khiến họ băn khoăn, ngần ngại khi thấy nguy cơ tác phẩm của họ bị mất bản quyền, từ đó sẽ dẫn đến nguy cơ khiến cho công chúng nước ta mất đi cơ hội được tiếp cận với các tác phẩm có giá trị trí tuệ, khoa học...
TS Cao Kim Ánh, Ủy viên thường vụ Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cũng thừa nhận, việc sao chép bất hợp pháp sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả và xã hội. Nó không những ngăn cản các tác giả hưởng phần thù lao từ việc sử dụng tác phẩm, mà còn hủy hoại tính sáng tạo của tác giả.
Không dễ để thu phí
Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do số đông người nắm giữ quyền chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình, họ thờ ơ hoặc chịu đựng nạn xâm phạm, chưa tích cực đòi hỏi sự tôn trọng và thực thi nghiêm chỉnh quyền tác giả. Trong khi đó, các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả lại chưa có ý thức liên kết với nhau trong hành động tập thể để bảo vệ lợi ích của mình. Thêm vào đó là thói quen coi việc sử dụng tự do lâu nay là hợp pháp, họ cảm thấy mình không có nghĩa vụ xin phép và trả tiền cho người nắm giữ quyền, cùng với thái độ chưa kiên quyết của các cơ quan Nhà nước, biện pháp chưa mạnh cũng như chưa có cơ chế thích hợp để chống nạn xâm phạm.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định, đã đến lúc chúng ta cần phải có ý thức dùng sản phẩm gì phải trả tiền cho sản phẩm đó, cần thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn dư luận, tạo cho xã hội có tư duy lành mạnh về việc trả tiền cho quyền sao chép các tác phẩm. Tất nhiên, việc làm này không phải ngày một, ngày hai, mà phải mất nhiều thời gian, cả xã hội cùng tham gia tuyên truyền, để tư duy trả tiền cho quyền sao chép ngấm dần vào từng người...
Thực tế cho thấy, vấn đề về quyền sao chép còn khá mới mẻ ở nước ta, việc vi phạm quyền sao chép vẫn chưa thực sự được coi trọng, dù Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về quyền tác giả. Và như vậy, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền sao chép ở nước ta hiện nay chắc chắn vẫn còn là chặng đường dài.
“Cục bản quyền đã trình lên Chính phủ nghị định xử phạt hành chính về quyền tác phẩm. Theo đó, đối với đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 500 triệu đồng và 250 triệu đồng đối với cá nhân”. |
Phương Lan