Dẹp nạn xâm phạm bản quyền sách - Bài 1: Xâm phạm mức báo động

Hiện tượng làm sách giả, sách lậu là một vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam, khiến cho các nhà xuất bản, các công ty sách bị thiệt hại nặng nề, nhà quản lý đau đầu. Một trong những nguyên nhân khiến cho sách lậu bùng phát là việc thực hiện bản quyền tác giả ở Việt Nam chưa hiệu quả.

 

Bài 1: Xâm phạm mức báo động


Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Berne về “Bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật”, cam kết với thế giới về việc xây dựng và tuân thủ các biện pháp bảo hộ quyền tác giả, đấu tranh chống nạn vi phạm quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta vẫn đang ở mức báo động.

 

Xâm phạm quyền tác giả sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và kìm hãm sự phát triển của ngành xuất bản.


Những năm gần đây, rất nhiều cuốn sách đã được các nhà xuất bản (NXB), các công ty sách mua bản quyền, nhưng chỉ sau khi xuất hiện trên thị trường vài ngày, thì đã xuất hiện sách giả, sách nhái.


Ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Công ty Sáng tạo Trí Việt - First News, cho biết, cho đến nay, First News đã có 187 cuốn sách là những tác phẩm bán chạy trên thị trường như “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, “Quà tặng diệu kỳ”, “Bí mật may mắn”, “Hạt giống tâm hồn”, “Phút nhìn lại mình”… và hầu hết trong đó đều bị in lậu. Cá biệt có cuốn như “Đắc nhân tâm” đã phát hiện tới 9 nơi in lậu. Cuốn “Quà tặng diệu kỳ”, “Phút nhìn lại mình” phát hiện 6 nơi in lậu. Việc rất nhiều tác phẩm do First News mua bản quyền bị in lậu không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn làm hại đến uy tín, thương hiệu của First News rất nhiều, bởi những cuốn sách in lậu đó đều bị mờ, thiếu chữ, in giấy chất lượng xấu…


Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh cũng cho biết, bộ sách “Nhà thông thái” do Long Minh mua bản quyền của một đối tác ở Pháp cũng bị một đơn vị phía Nam xâm phạm bản quyền. Bên cạnh đó, còn có một số cuốn sách tham khảo của Long Minh cũng bị vi phạm bản quyền.


Không chỉ First News, Long Minh, mà rất nhiều NXB, công ty sách có nhiều cuốn sách bị xâm phạm bản quyền như “Mật mã Tây Tạng” của Công ty Nhã Nam, “Sống như Tiểu Cường”, “Nghe bố này, con gái!”, “Người Nam Châm” của Thái Hà Book… Hầu hết những cuốn sách nổi tiếng, đặc biệt là những cuốn sách mới ra thị trường, được nhiều bạn đọc yêu thích đều bị in lậu ngang nhiên và phổ biến tràn lan.


Không chỉ sách in, các NXB, nhà sách còn phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của những cuốn sách điện tử (ebook) trên Internet. Chỉ cần vài cái click chuột, hoặc “lướt” qua một số trang web, diễn đàn như www.e-thuvien.com, www.vnthuquan.net… là đã có thể tìm được ngay những cuốn sách “nóng” trên thị trường sách hiện nay. Thậm chí, có những cuốn sách bị tịch thu, đình bản cũng vẫn thấy xuất hiện tràn lan trên mạng. Người yêu sách cứ vô tư đọc, vô tư tải về, mà không cần quan tâm đến công sức của nhà văn hay sự lỗ lãi của các NXB.


Theo báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL, trong năm 2013, Bộ đã tổ chức 110 cuộc thanh, kiểm tra tới 114 tổ chức và cá nhân; phát hiện 81 cá nhân và tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Đoàn công tác đã xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo 10 tổ chức, đang chờ xử lý vi phạm 30 doanh nghiệp. Nội dung các vi phạm chủ yếu là sao chép sách ngoại văn, giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các chương trình phần mềm máy tính, tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh, đăng tải lên website, phát sóng chương trình, video clip âm nhạc mà không được phép của chủ sở hữu.


Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Tổng Thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cũng đưa ra một con số “khủng”: Trong thời gian qua, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát và phát hiện trên 22 triệu lượt người thường xuyên sao chụp các tác phẩm đã công bố, phổ biến dưới dạng xuất bản phẩm mà không xin phép và không trả tiền thù lao cho người nắm giữ quyền tác giả. Hiệp hội cũng phát hiện hàng trăm trang thông tin điện tử khai thác, sử dụng trái phép các nội dung dưới dạng số hóa. Năm 2013, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam mới bắt đầu hoạt động cấp phép sử dụng trong môi trường số và đã thu được số tiền 700 triệu đồng.


Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bản quyền tác giả thừa nhận, mặc dù việc thực thi bảo hộ quyền tác giả đã có những tác dụng tích cực, song tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta vẫn đang ở mức báo động. Ông Hoan cũng cho biết, có nhiều loại hành vi phổ biến xâm phạm quyền tác giả như xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật; nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả... Theo ông Hoan, trong tất cả các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản thì in lậu vẫn là phổ biến và nghiêm trọng nhất và việc xâm phạm quyền tác giả sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và kìm hãm sự phát triển của ngành xuất bản.


Bài và ảnh: Nhóm PV

 

Bài cuối: Quyết “tẩy chay” sách lậu

Nan giải vấn nạn in lậu và sách giả
Nan giải vấn nạn in lậu và sách giả

Trên địa bàn Hà Nội, đã từ lâu, sách lậu, sách giả được bày bán công khai trên nhiều tuyến phố: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng,...với giá chiết khấu lớn (tới 40%) so với giá bìa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN