Đầu năm nhớ vị tướng áo vải Hoàng Công Chất

Đã trở thành nét đẹp trong tâm thức người dân xứ Mường Trời - Mường Thanh (Điện Biên) từ bao đời nay, cứ Tết đến, Xuân về, người dân thuộc cộng đồng 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại tìm về xã Noong Hẹt để du xuân, dâng hương Thành Bản Phủ, Đền để tưởng nhớ đến công lao của Vị tướng áo vải Hoàng Công Chất.

Từ thành phố Điện Biên Phủ ngược quốc lộ 279 theo hướng của khẩu Quốc tế Tây Trang chừng hơn 10 km là du khách đã đặt chân đến xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, nơi có Di tích Thành Bản Phủ, Đền Hoàng Công Chất, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1981. Đã trở thành nét đẹp trong tâm thức người dân xứ Mường Trời - Mường Thanh (Điện Biên) từ bao đời nay, cứ Tết đến, Xuân về, người dân thuộc cộng đồng 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại tìm về xã Noong Hẹt để du xuân, dâng hương Thành Bản Phủ, Đền để tưởng nhớ đến công lao của Vị tướng áo vải Hoàng Công Chất.

Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014, dù sáng sớm, tiết trời vẫn còn lạnh nhưng du khách thập phương đã tìm về đây. Khi mặt trời ngày mới vừa kịp nhú lên những tia rẻ quạt phía đằng đông Pú Tỉu thì trên đoạn đường dài nối tuyến đường liên xã Noong Hẹt đi xã biên giới Pa Thơm vào cổng chính của thành Bản Phủ, dòng người đã tấp nập đổ về càng lúc càng đông. Người đi du xuân, dâng hương, viếng Đền có cả trí thức, nông dân, già trẻ, gái trai. Niềm vui, sự phấn khởi, hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt, nụ cười mỗi người. Các điểm trông giữ xe nơi đây nhanh chóng bị nêm cứng bởi số lượng lớn xe máy, xe ô tô mang biển số trong và ngoài tỉnh. Các điểm bán đồ lễ cũng nhộn nhịp, hối hả người ra, vào.

Ba cây đa, bồ đề và si có độ tuổi hàng trăm năm mà người dân bản địa trồng cùng một gốc thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa đồng bào miền xuôi với miền ngược càng uy nghiêm, tĩnh lặng nhờ khói hương quyện hòa hơi sương lẩn quất trên tán lá.

Tại sân Đền và Điện thờ, dòng người nối chân nhau ra, vào thắp hương, hành lễ, dù đông đúc nhưng rất trang nghiêm, thành kính. Sau khi dâng hương, thành tâm hành lễ, khấn nguyện, du khách thập phương tìm ngồi kín cả những dãy ghế đá mà các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm cung tiến, đặt xung quanh gốc cây đa, bồ đề, si. Xung quanh ao cá trước Đền, ao sen phía sau Đền cũng thu hút số lượng lớn người dân tản bộ thăm quan. Trên con đường đi ra cây đa có độ tuổi hàng trăm năm nằm bên bờ sông Nậm Rốm huyền thoại, người người cũng tìm đến để thắp hương, lòng thành nguyện ước những điều may mắn.

Khi được hỏi, nhiều người đi viếng đều có chung câu trả lời, đi lễ để cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn, bình an. Đến với chốn linh thiêng này, ai cũng như được thanh lọc những lo toan, phiền muộn, vướng bận trong cuộc sống để tâm hồn được nhẹ nhàng, thanh tịnh.

Bác Trần Đình Hóa, ở tổ 17, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: Cứ vào dịp đầu xuân mới là gia đình lại cùng nhau đi lễ ở Đền Hoàng Công Chất để cầu mong niềm vui, sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình. Sang năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, thành công hơn.

Chị Mùa Thị Mỷ, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên, chia sẻ: "Gia đình em ở huyện Tủa Chùa, từ khi vào học Cao đẳng thì cứ dịp đầu xuân, năm nào cũng về Đền để du xuân, thắp hương cầu mong cho bố mẹ có sức khoẻ, làm nương, làm ruộng được bội thu. Bản thân em cầu mong học tập thật tốt".

Không chỉ người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên mà việc dâng lễ, thắp hương ở Đền để cầu mong cho gia đình, anh em, bạn bè một năm mới mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, thành công cũng thu hút đông đảo du khách ở ngoại tỉnh.

Anh Trần Văn Nhuận, quê Hà Tĩnh, cho biết: "Năm nay, mình lên thăm bố mẹ và ăn Tết ở trên này. Mình cảm thấy may mắn là được đến du xuân, thăm viếng di tích lịch sử cấp quốc gia này. Cũng như mọi người khi đến đây, mình cũng cầu mong gia đình được khỏe mạnh, con cái học giỏi, chăm ngoan”.

Ông Tòng Văn Đun, tỉnh Luông Nậm Thà, nước bạn Lào, hồ hởi: "Gia đình tôi có gần 10 người, chúng tôi phải vượt quãng đường hơn 100 km mới sang được tỉnh Điện Biên của Việt Nam để đi lễ ở Đền cụ Hoàng Công Chất. Tôi và mọi người trong gia đình đã thắp hương, cầu mong sang năm mới làm ruộng, làm nương được nhiều thóc, ai cũng có sức khỏe, không bao giờ bị ốm đau."

Theo bà Lò Thị Chứ, thành viên Ban quản lý khu di tích thành Bản Phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến dâng lễ, thắp hương ở Đền, thời điểm trước Tết, Ban quản lý khu di tích đã tổ chức dọn vệ sinh để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp và trang nghiêm cho khuôn viên di tích. Các thành viên trong Ban quản lý cũng được phân công công nhiệm vụ cụ thể để hướng dẫn người dân khi thắp hương, đặt lễ trong Đền; phối hợp với lực lượng dân quân, công an xã đảm bảo tốt an ninh, trật tự khuôn viên di tích.

Vị anh hùng áo vải Hoàng Công Chất (? - 1769), tên thật Hoàng Công Thư, quê làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Nam Sơn Hạ (nay là xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), là người lãnh đạo khởi nghĩa ở vùng Sơn Nam từ năm 1739. Đến năm 1748, ông tiến quân vào Mường Thanh (trước là động Mãnh Thiên, châu Ninh Biên). Cùng với các tướng lĩnh, binh sĩ của mình, ông kêu gọi đoàn kết dân tộc, thu phục những người đứng đầu các Châu, Mường đánh đuổi giặc, giải phóng Mường Thanh từ 1754 đến 1769.

Lễ dâng hương tưởng niệm trong ngày khai mạc lễ hội 2009. Ảnh: Xuân Trường - TTXVN.


Sau 30 năm lãnh đạo kháng chiến chống triều đình thời Lê Mạt mục ruỗng, Hoàng Công Chất đã xây dựng mối tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc trên dưới một lòng, giữ yên được một vùng biên cương của Tổ quốc. 30 năm cát cứ miền biên cương Tổ quốc, bằng những chính sách hợp lòng dân, ông đã được nhân dân tôn là “Chúa”. Trong dân gian, người dân vẫn tự hào hát câu hát ngợi ca công lao của ông: “ Dưới xuôi có Vua. Trên này có Chúa. Những miền từ Mường Pồn, châu Ét, từ Đà Bắc, chợ Bờ. Lại từ chợ Xo, La trở xuống, tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh... ”. Hay “… Chúa cho ta ăn cơm, ta được ăn. Thành to, thành đẹp. Chúa bảo ta đắp thành, ta xây, ta đắp. Thành đứng giữa cánh đồng, giặc nào chẳng khiếp...”.

Còn Thành Bản Phủ, theo sử sách thành rộng gần 80 mẫu, có hào sâu 3 - 5 mét, tường thành bằng đất, mặt thành rộng ngựa voi có thể đi lại. Đây là đại bản doanh Hoàng Công Chất cho xây dựng (1758-1762) làm căn cứ của nghĩa quân. Trước đó, khi buổi đầu đặt chân lên xứ “Mường trời” này, ông đã chọn thành Tam Vạn (tiếng Thái gọi là Sam Mứn) do người Lự xây trước đó (khoảng thế kỷ XI), nhưng nhận thấy những bất lợi của thành Tam Vạn, Hoàng Công Chất đã di chuyển địa điểm căn cứ nghĩa quân, xây dựng nên thành Bản Phủ ngày nay.


Hải An

Tưng bừng lễ hội chùa Phật Tích
Tưng bừng lễ hội chùa Phật Tích

Ngày 3/2 (mùng 4 Tết) hàng nghìn du khách tấp nập đổ về chùa Phật Tích (huyện Tiên Du – Bắc Ninh) dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn cầu mong năm mới an lành, nhiều may mắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN