Cứu sân khấu khỏi khủng hoảng thời 4.0 - Bài 1: Vắng khán giả, vì sao?

"Sân khấu truyền thống đang ở trong khoa hồi sức cấp cứu" - lối ví von của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu tại một sự kiến lớn mới đây khiến nhiều đại biểu tham dự bật cười.

Nhưng sau nụ cười ấy, những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật truyền thống này lại cảm thấy chua xót vì sân khấu đang đứng trước những mối đe dọa sống còn, trong đó mối đe dọa lớn nhất là sự khủng hoảng khán giả.

Vở diễn "Như những tượng đài" do đoàn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) biểu diễn. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Vàng son một thủa

Thu hút khán giả đến với sân khấu truyền thống hôm nay là một câu hỏi lớn không dễ trả lời. Trả lời đúng coi như “thắng” một nửa. Làm thế nào để sân khấu vượt qua giai đoạn khủng hoảng vắng khán giả? Trả lời câu hỏi này, chúng ta quay trở lại thời điểm vài chục năm trước đây khi sân khấu Việt đang ở “đỉnh cao” của mình.

Sân khấu Việt Nam từng có một thời hoàng kim với không ít vở diễn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Ở những năm 80 của thế kỷ trước, Công chúng nô nức chào đón các vở diễn như "Mùa hè ở biển", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Dòng sông ám ảnh"; rồi bộ chèo 3 vở "Bài ca giữ nước", "Nhân danh công lý". Bước sang thập kỷ 90 những vở của các đạo diễn gạo cội Việt Nam như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Doãn Hoàng Giang… dàn dựng từ kịch bản của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ tiếp tục gây hiện tượng "cháy vé". Tiếp đó là đến thời kỳ của xã hội hóa sân khấu mà đỉnh cao là liên hoan sân khấu xã hội hóa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2006.

Quá khứ vàng son này được hiểu theo cách của khá nhiều người rằng trước kia, trong kháng chiến và thời bao cấp, công nghệ thông tin chưa phát triển, giao lưu văn hóa còn hạn chế, một năm ở thành phố lớn có được vài vở mới, còn ở nông thôn cũng chỉ có đôi ba đoàn văn công về biểu diễn. Trong điều kiện như vậy, người dân khao khát nghệ thuật và đương nhiên họ tìm đến với các đêm diễn như đi hội.

Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều hình thức văn nghệ, sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí công nghệ cao của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi tích cực của điện ảnh và phim truyền hình đã phân tán người xem, khiến khán giả sân khấu giảm một cách đáng kể. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh làm cho không gian văn hóa của sân khấu truyền thống ngày càng bị thu hẹp; cuộc sống hàng ngày với trăm mối lo “cơm, áo, gạo tiền” cũng làm cho người dân có ít thời gian hơn để thưởng thức nghệ thuật. Hơn nữa, lớp trẻ-lực lượng khán giả đông đảo của sân khấu, phần vì gánh nặng học tập, phần vì ưa chuộng sự mới lạ, lại quá thiếu kiến thức thẩm mỹ về sân khấu dân tộc nên không mấy quan tâm tới lĩnh vực này. Đó là những nguyên nhân khiến khán giả của sân khấu truyền thống hôm nay không thể đông đảo được như xưa.

Trước những biến đổi của thời cuộc, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Minh Ngọc cho rằng người làm sân khấu xã hội hóa đã nhanh chóng tìm cách ứng phó bằng thay đổi đề tài, nương theo thị hiếu của một bộ phận khán giả bằng các tiết mục có nội dung giải trí như kịch hài kinh dị, ma, đồng tính … Kết quả tích cực đã thu hút được nhiều người đến với các sân khấu khấu giải trí kiểu này. Nhưng rồi “chiêu”, “trò” của họ cũng không giữ được khách. Sân khấu cuối cùng cũng vẫn rơi vào khủng hoảng, khiến những người yêu mến sân khấu thêm tiếc nuối về “một thủa vàng son”.

Chất lượng vở diễn đang xuống cấp

Như vậy, sự “vắng khách” của sân khấu truyền thống có nguyên nhân khách quan; tuy nhiên về chủ quan, phải thừa nhận rằng, hiện nay chất lượng nghệ thuật của nhiều vở diễn đang có sự xuống cấp nghiêm trọng.

Nói về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Trung cho rằng: tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không chỉ là “bảo bối” mang lại thu nhập, thương hiệu, mà dường như còn tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tạo và sức sống cho nghệ sĩ, cũng như đơn vị nghệ thuật. Điều đáng buồn là chất lượng của nhiều tiết mục nghệ thuật hiện nay chỉ ở mức trung bình, đó là chưa nói tới hiện tượng dàn dựng tiết mục, vở diễn chỉ để có tiết mục, hoàn thành kế hoạch, hoặc giải ngân. Các hội diễn, các cuộc thi tài năng sân khấu được tổ chức hàng năm, kinh phí chi tới hàng chục tỷ đồng nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng. Lượng khán giả đến với các liên hoan, hội diễn còn rất ít.

Diễn ra ngay tại Hà Nội nhưng nhiều hội diễn, liên hoan sân khấu không có mấy người xem. Hội diễn sân khấu cải lương (năm 2015) tại Bạc Liêu có số lượng người xem không đáng kể. Cuộc thi Tài năng sân khấu năm 2017 được tổ chức tại Thanh Hóa dường như cũng chỉ có người trong nghề, dự thi xem với nhau.

 “Nguyên nhân dẫn đến sự thưa vắng khán giả thì nhiều, song không thể phủ nhận một điều là chất lượng nghệ thuật của các vỡ diễn, tiết mục còn nhạt nhòa, không gây được ấn tượng”, ông Trung nhấn mạnh.

Là một trong những loại hình của sân khấu truyền thống, sân khấu Chèo cũng đang chịu sức ép lớn từ sự thiếu vắng khán giả do thiếu những vở diễn chất lượng. Thực tế, trong hơn 2 thập kỷ gần đây chưa thực sự có nhiều vở Chèo hay, gây chấn động, trở thành tác phẩm có tính định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật Chèo hiện đại.

Đại tá, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết, Nhà hát Chèo Quân đội đang rất cần những kịch bản Chèo về người lính, về cuộc sống, con người hiện đại phù hợp với nhu cầu thưởng thức của cán bộ, chiến sĩ. Nhà hát muốn cộng tác với những tác giả và đạo diễn Chèo xuất sắc, cùng xây dựng những vở Chèo có tầm vóc về đề tài hiện đại, đảm bảo tốt về chất lượng chuyên môn. Mong sao ngành Chèo bớt đi cảnh ăn vay, ăn đong vì thiếu hụt những kịch bản xuất sắc.

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” tổ chức cuối tháng 3 tại Tuyên Quang, các đại biểu cũng thừa nhận rằng những gì đang diễn ra trong đời sống sân khấu gần đây cho thấy, không ai khác, chính những người nghệ sĩ không có tâm và không có tầm đang tự làm mất khán giả của sân khấu truyền thống từ những những tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng cùng sự xuống cấp của tâm hồn. Bên cạnh đó, những sân khấu chưa đẹp, chưa hấp dẫn về hình thức, ngôn ngữ thể hiện…, cũng góp phần không nhỏ khiến khán giả “rời xa” sân khấu.

Mỹ Bình (TTXVN)
Nhà hát Tuổi trẻ mang 'gia sản' sân khấu đặc sắc chào mừng tuổi 40
Nhà hát Tuổi trẻ mang 'gia sản' sân khấu đặc sắc chào mừng tuổi 40

Sáng 27/2, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức họp báo, giới thiệu chương trình nghệ thuật dài hơi và “đồ sộ” chào mừng tuổi 40 của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN