Với nhiệm vụ sưu tập, lưu giữ những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của vị Cha già của dân tộc.
Trong hai tuần vào thăm con đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác Bùi Thị Miên, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng quyết định dành hẳn một ngày để đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chăm chú đọc từng lời chú thích trước các hiện vật, hình ảnh, bác Miên trầm ngâm: “Tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện về Người, những thông tin về Bác được trưng bày ở rất nhiều nơi nhưng tôi thấy ở đây đầy đủ và đa dạng nhất”.
Du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Trong số những du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đợt này có đoàn 40 cựu chiến binh xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Khi nghe người hướng dẫn viên giới thiệu kỹ về nội dung từng bức ảnh, từng bức thư, hiện vật của Bác, nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Đứng lặng trước bức tranh sơn dầu vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng dũng sĩ miền Nam năm 1965 được trưng bày ở vị trí trang trọng, bác Nguyễn Cảnh Dần, một cựu chiến binh trong đoàn cho biết: Được vào thăm Thành phố mang tên Bác, đặt chân đến Bến cảng Nhà Rồng - nơi Người ra đi tìm đường cứu nước, là một người lính, chúng tôi hết sức xúc động. Những hình ảnh, hiện vật về Người được lưu giữ, trưng bày đã toát lên sự gần gũi, giản dị nhưng cũng thật vĩ đại của con người Bác. Càng xem, càng đọc, chúng tôi càng thấy được công lao trời biển của Người trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Những lời nói của Người vẫn luôn là kim chỉ nam cho toàn dân tộc vững bước tiến lên.
Những hiện vật, câu chuyện về Bác được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ lay động những thế hệ sinh ra và trưởng thành trong thời đạn bom mà đã giúp những người trẻ hiểu hơn, gần gũi hơn với Bác. Đặc biệt, các trường học trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm Bảo tàng để các em học sinh biết và hiểu hơn về cuộc đời cũng như sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu; nhiều gia đình thì đưa trẻ đi tham quan như một phần thưởng sau năm học.
Đối với Nguyễn Đặng Minh Thư, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Bình Minh (Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng vậy. Đây là lần đầu tiên em được đến Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh và chuyến đi này chính là phần thưởng ba mẹ dành cho em sau những nỗ lực trong năm học vừa qua. Minh Thư tâm sự: “Ở đây em được thấy nhiều hình ảnh về Bác Hồ. Có hình ảnh em đã được học, được nghe cô giáo kể, nhưng cũng có những hình ảnh bây giờ em mới thấy. Càng xem em càng nhắc mình phải thực hiện tốt hơn Năm điều Bác Hồ dạy, trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt”.
Trở lại thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lần này đúng dịp kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đối với Lê Văn Tiến (26 tuổi), quê An Giang lại có thêm một trải nghiệm mới mẻ, hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Tiến chia sẻ, trong khoảng thời gian học đại học, anh cùng bạn có vài lần đến tham quan ở đây, lần nào đến cũng khiến anh thật sự xúc động.
Nhớ lại những năm học cấp hai ở trường Trung học cơ sở Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Lê Văn Tiến cho biết, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các học sinh hào hứng tham gia. Những bài học và câu chuyện về Bác đã thấm đẫm tâm hồn những học sinh, nuôi dưỡng tinh thần và hình thành nên phong cách của anh Tiến cho đến tận bây giờ. “Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là sự gần gũi và giản dị của Bác. Trong những câu chuyện và hình ảnh về Người, dường như không hề tồn tại một vị Chủ tịch nước, mà đó chỉ là những người thân, người trong một nhà. Suốt những năm tháng sinh viên và cho đến tận bây giờ, tôi và bạn bè mình luôn bảo nhau học tập đức tính giản dị, tiết kiệm và trung thực của Bác”, Tiến tâm sự.
Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh được đặt trong ngôi nhà trước đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Nhà Rồng) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn.
Để ghi nhớ sự kiện có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến cảng Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh – ngày 5/6/1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được UBND thành phố giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 30/10/1995, UBND thành phố quyết định chuyển "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" thành "Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh".
Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở các tư liệu, hiện vật của bảo tàng. Đặc biệt, nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.
Ngoài những cuộc triển lãm chuyên đề cố định, vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, bảo tàng lại tổ chức triển lãm trưng bày những bức ảnh, trích dẫn di ngôn theo các chủ đề tương ứng. Kể từ khi hoạt động đến nay, Bảo tàng đã đón tiếp trên 30 triệu lượt khách tham quan từ khắp nơi trong nước và khách quốc tế, đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp các nước đến thăm viếng, tìm hiểu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh...