Những chiếc bi đông đựng nước, chiếc áo trấn thủ cũ sờn, chiếc máy thông tin quân sự 15W cho đến những chiếc mũ tai bèo đã ngả màu thời gian... đươc ông Thu hàng ngày lau chùi tỉ mỉ, bảo quản cẩn thận. Ông còn ghi chép cẩn thận tên, xuất xứ của từng hiện vật vào cuốn sổ tay. Bùi ngùi, ông cho chúng tôi xem một chiếc ca đựng nước bằng nhôm có khắc dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ông cho biết, đây là kỷ vật của một chiến sỹ đã hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, quê ở xã Năng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, gia đình tặng lại để ông trưng bày tại “bảo tàng”.
Tháng 2/1972, ông Thu nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Sau ba tháng huấn luyện tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ông cùng đồng đội được lệnh hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam, rồi tham gia nhiều trận đánh sinh tử với quân thù. Cuối tháng 4/1974, trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt với quân địch tại Núi Bông, thuộc mặt trận Bình - Trị - Thiên, ông bị thương được chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1975, ông xuất ngũ về quê và sau đó được hưởng chế độ thương binh với thương tật hạng 4/4.
Cựu chiến binh Bùi Đình Thu (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu các kỷ vật chiến tranh với người dân đến tham quan. |
Xuất phát từ tình cảm với đồng chí, đồng đội, niềm đam mê sưu tầm kỷ vật kháng chiến, ông quyết tâm xây dựng ngôi nhà của mình trở thành một “bảo tàng” nhỏ để các cựu chiến binh, các cháu học sinh và người dân quanh vùng đến tham quan, học tập truyền thống. Từ năm 1995 đến nay, ông Thu đã dùng khoản trợ cấp thương binh cùng với chiếc xe máy cà tàng, ba lô, cơm nắm, muối rang, rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố từ miền xuôi đến miền ngược, trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm kỷ vật kháng chiến. Có những chuyến ông đi cả tháng trời từ Bắc vào Nam, vừa để thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp đồng đội cũ; vừa kết hợp sưu tầm, tìm mua những kỷ vật chiến tranh. Hễ ai mách ở đâu đang lưu giữ kỷ vật kháng chiến có giá trị, ông đều tìm đến, thuyết phục họ bán cho ông bằng được.
Sau hơn 20 năm lặn lội khắp các miền quê trong cả nước, ông Thu đã sưu tầm được hơn 2.000 kỷ vật kháng chiến với đủ các chủng loại khác nhau, cả của ta và của địch. Trong số những hiện vật ông sưu tầm được còn có nhiều cuốn sách quý, những số báo ra đời từ đầu thế kỷ 20 như “Hồn nước”, “Cứu quốc”, “Tiến lên”; những số báo Nhân dân, Quân đội nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ... Nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, gây xúc động mạnh cho người xem như: Cờ giải phóng, ra đi ô, bình tông, áo trấn thủ, mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, bản đồ tác chiến của lính Mỹ, những lá đơn tình nguyện lên đường giết giặc được viết bằng máu của các thế hệ thanh niên trong những năm kháng chiến; những bức thư của chiến sĩ gửi về từ chiến trường, từ quê nhà gửi ra tiền tuyến; những trang nhật ký, đồ dùng cá nhân của những người lính đã hy sinh... Tất cả đều được ông giữ gìn, bảo quản cẩn thận như những tài sản quý của gia đình.
Dốc lòng vào việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh, nhiều lúc gia đình cựu chiến binh Bùi Đình Thu cũng lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Đã có không ít người yêu thích cổ vật đến tìm mua với giá hàng chục triệu đồng nhưng ông đều từ chối. Ước muốn giản dị của ông là để những kỷ vật này cho các em học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo, các nhà nghiên cứu đến tham quan, học tập miễn phí. Càng thấy vui hơn, vì mấy năm gần đây, bảo tàng gia đình ông thu hút rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến tham quan. Một số nhà nghiên cứu văn hóa gần xa nghe tiếng về “Bảo tàng ông Thu” cũng đến đề nghị ông tạo điều kiện giúp nghiên cứu, tìm hiểu...
Ông Thu bày tỏ: “Những lớp người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ dần ra đi nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, những hiện vật và anh linh của các anh hùng liệt sĩ sẽ sống mãi, nhất là khi chúng ta biết lưu giữ những kỷ vật, trân trọng quá khứ. Ước nguyện lớn nhất của tôi là được cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng đội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ sưu tầm, lưu giữ thêm nhiều kỷ vật kháng chiến. Tôi làm việc này không đơn thuần là sự đam mê mà mong muốn phát triển thành một bảo tàng nhỏ, thành “địa chỉ đỏ” để những “hiện vật biết nói” ngày càng phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là với lớp trẻ”.