Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, phương tiện giao thông ở nước ta cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Hiện có khoảng 70 triệu xe mô tô/xe gắn máy, khoảng 6 triệu xe ô tô đang lưu hành, đồng nghĩa với việc các phương tiện giao thông thải bỏ cũng tăng. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc thu gom, tái chế các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng.
Ở nhiều nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, chiếc xe sử dụng hơn 10 năm và không đạt yêu cầu kiểm tra hiệu năng trên đường hai lần liên tiếp có thể được tuyên bố là phương tiện giao thông thải bỏ và được hủy đăng ký theo luật. Phương tiện giao thông thải bỏ phải có “Giấy chứng nhận tiêu hủy” từ các cơ sở xử lý được ủy quyền hợp pháp như một điều kiện để hủy đăng ký.
Việc thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ tại nước ta hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức là những cơ sở ở các làng nghề thu gom, tháo dỡ, tái chế... gây ô nhiễm môi trường cũng như không đáp ứng hiệu quả trong việc xử lý các phương tiện giao thông thải bỏ. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.
Qua nghiên cứu về thực trạng hoạt động của các cơ sở thu gom, vận chuyển, phá dỡ, tái chế và xử lý phương tiện giao thông cũ, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nêu thực tế, tại Việt Nam việc tái chế ô tô, xe máy mới dừng lại ở mức độ tự phát, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do chưa hình thành ngành công nghiệp tái chế, tái sử dụng ở quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện giao thông hết niên hạn nhưng không làm thủ tục thu hồi biển số và đăng ký; chưa có các quy định riêng về quản lý và tái chế phương tiện giao thông hay các chính sách để hỗ trợ người dân có trách nhiệm thải bỏ đúng cách...
Xây dựng cơ chế phù hợp
Để thu hồi, tái sản xuất phương tiện giao thông thải bỏ đối với ô tô, xe máy, ông Lê Văn Vệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đề xuất thực hiện mô hình tái chế bền vững.
Cụ thể, tập kết các phương tiện thải bỏ tại điểm thu hồi; sau đó làm tuần tự theo quy trình tại các cơ sở tháo dỡ, phân loại phụ tùng tái sử dụng, vật liệu tái sử dụng; cắt nhỏ và tái chế các vật liệu phi kim, kim loại hoặc sản xuất mới. Áp dụng mô hình này sẽ giúp bảo tồn tài nguyên, giảm sử dụng nguyên liệu thô; giảm rác thải chôn lấp; phụ tùng tái sử dụng cũng được rẻ hơn 50 – 75% so với linh kiện mới; tiết kiệm chi phí năng lượng (tái chế thép tiết kiệm 2000 USD/tấn so với sản xuất thép mới).
Do đó để đảm bảo tính khả thi trong việc thu gom, tái chế phương tiện giao thông thải bỏ, theo ông Lê Văn Vệ cần xây dựng chính sách ưu đãi tạo động lực cho người dân thải bỏ đúng cách thông qua hỗ trợ tài chính trực tiếp khi phương tiện được thải bỏ tại các cơ sở ủy quyền; giảm chi phí trước bạ, phí đăng ký và biển số hoặc hỗ trợ tài chính khi người dân mua xe mới, thải bỏ xe cũ.
Từ góc độ cơ quan nghiên cứu chính sách, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đề xuất giải pháp thực hiện mô hình quản lý việc thải bỏ phương tiện giao thông tại Việt Nam. Theo đó, các cơ sở thu gom phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, phát hành Giấy chứng nhận thải bỏ phương tiện giao thông. Đồng thời, chủ phương tiện khi thải bỏ phương tiện giao thông được nhận Giấy chứng nhận thải bỏ; được giảm lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật sau khi cung cấp Giấy chứng nhận thải bỏ.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung pháp luật về giao thông đường bộ; đề xuất, sửa đổi quy định về lệ phí đăng kiểm, theo hướng tăng lũy tiến lệ phí đăng kiểm, phí đường bộ đối với ô tô các loại sau 20 năm kể từ năm sản xuất; bổ sung lệ phí, phí đường bộ đối với xe máy sau 25 năm kể từ năm sản xuất sau khi có quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin phương tiện giao thông thải bỏ đến cơ sở dữ liệu của cơ quan liên quan; tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giáo dục và tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng về việc thải bỏ phương tiện giao thông đúng quy định, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, chủ phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ; trừ trường hợp chủ phương tiện giao thông quyết định hoãn trách nhiệm thải bỏ phương tiện giao thông theo quy định.
Việc thải bỏ phương tiện giao thông được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết niên hạn sử dụng hoặc từ ngày xác định không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nhà nước có quyền định đoạt phương tiện giao thông bị tịch thu do vi phạm pháp luật hoặc là tài sản vô chủ đã xác lập quyền chủ sở hữu theo quy định của pháp luật mà hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật…