Rà soát chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh

Sáng 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về hiện trạng và chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và trạm sạc điện.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh là chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước và đã được cụ thể hóa trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải. Trong Quyết định, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra lộ trình và giao Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan thực hiện lộ trình chuyển đổi chuyển đổi năng lượng xanh dành cho đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định của các bộ, ngành chưa có lộ trình rõ ràng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang triển khai chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông hết sức mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, báo cáo tổng thể về tình hình thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, cập nhật chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách đã được luật hoá, những bất cập, khó khăn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để thực hiện Chương trình, làm rõ vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, trong đó đề xuất cơ chế điều hành liên ngành như một số ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm về giao thông, năng lượng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người sử dụng.

Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng, tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn tạm thời về bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông, trong đó có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm/trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ cơ chế tính giá điện cho các trạm/trụ điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện. Trong năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng xong tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế ổ cắm sạc điện.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành liên quan và thành phố Hà Nội đã thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, "điểm nghẽn" trong thực hiện chủ trương phát triển phương tiện giao thông xanh và trạm sạc điện.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg, Bộ đã rà soát, bổ sung các nội dung liên quan đến khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.

Bộ cũng ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô, xe máy điện; tổ chức xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường liên quan đến ô tô điện; quy định về số vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện cho các trụ sạc điện trong trạm dừng nghỉ; xây dựng Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện.

Là một trong những địa phương tiên phong đi đầu trong nỗ lực phát triển phương tiện giao thông xanh, theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, thành phố hiện vướng nhất là hạ tầng, khi chuyển sang xe điện thì cần có các trạm sạc. Các doanh nghiệp đầu tư với tính chất là tự phát, trong khi chưa có quy chuẩn riêng cho ô tô điện, trạm/cột sạc điện; các tiêu chuẩn hiện hành về việc lắp đặt hệ thống trạm/cột sạc điện vẫn còn hạn chế, đặc biệt chưa có đầy đủ bộ tiêu chuẩn cơ bản cũng như quy hoạch để thiết kế, lắp đặt và vận hành trạm sạc điện an toàn, ổn định. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết đã thực hiện lồng ghép vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, dự kiến trình cấp thẩm quyền ban hành trước năm 2026; hướng dẫn quy trình kỹ thuật lắp đặt trạm/trụ sạc điện bảo đảm an toàn công trình hiện hữu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng công trình giao thông đô thị dành cho phương tiện giao thông xanh.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết thêm, nhiều nước đã chuyển từ chính sách hỗ trợ người dân mua xe điện sang xây dựng hạ tầng, trạm/trụ sạc điện, nghiên cứu sản xuất pin; siết chặt quy chuẩn, tiêu chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu.

V.Đ (TTXVN)
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi logistics xanh
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi logistics xanh

Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất - thương mại quan trọng trên thế giới, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự tăng trưởng nhanh chóng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành logistics Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi đáng kể, cũng như là điểm nóng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN