Đây là nhận định của đại diện bộ ngành, chuyên gia và doanh nghiệp tại chuỗi hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, ngành logistics đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam khắc phục khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19, cũng như những biến động địa chính trị trên toàn cầu như hiện nay.
Đồng thời, ngành này còn góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm liên tục tăng trưởng, vượt mốc 600 tỷ USD vào năm 2021; 700 tỷ USD (năm 2022); 683 tỷ USD (năm 2023) và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Về mặt cơ chế chính sách phát triển ngành logistics, thì Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu "xanh hoá" các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An cho hay, trước những vấn đề môi trường đang đặt ra trong ngành khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu toàn cầu, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được "xanh hóa" theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế.
Vì vậy, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu "xanh hóa" các ngành kinh tế, trong đó "phát triển logistics xanh" gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh… được xem là tiêu chí quan trọng.
Cảng Quốc tế Long An không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu rác thải - khí thải, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất…
Điển hình, nhiều công trình trên Cảng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 về giảm khí thải; thiết bị cẩu sử dụng điện 100%; nghiên cứu đưa vào sử dụng các trang thiết bị khai thác bằng điện hoặc pin tái tạo, hướng đến sử dụng điện bờ vào năm 2030.
Tính đến thời điểm hiện tại, với vị trí cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, Cảng Quốc tế Long An đã trở thành mắt xích quan trọng, hoàn thiện chuỗi logistics khu vực, kết cấu hạ tầng hàng hải quốc gia, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tại địa phương. Đồng thời, cảng này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khi không chỉ là điểm giao nhận hàng hóa quốc tế, mà còn là trung tâm vận chuyển và phân phối.
Trong bối cảnh, các chương trình mục tiêu về chuyển đổi bền vững, tăng cường an ninh kinh tế và cạnh tranh chiến lược tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới về việc hoạch định lại chiến lược quản trị chuỗi cung ứng và logistics, một doanh nghiệp logictics chỉ ra rằng, chìa khóa quan trọng có thể giúp đẩy nhanh tăng trưởng ngành là công nghệ và hợp tác trong hệ sinh thái cộng sinh. Cùng với đó, dự báo xu hướng định hình thị trường logistics năm 2024 được một số đơn vị công bố là tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, nắm bắt tự động hóa, thị trường vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số, thực hiện tích hợp hệ sinh thái...
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đạt 3,3 điểm, tăng 0,03 điểm so với kết quả năm 2018 và đây là mức điểm cao nhất của Việt Nam kể từ khi nghiên cứu này được công bố. Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi, xếp hạng 4 về chỉ tiêu cơ hội logistics quốc tế, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Hơn thế nữa, tuy kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới từ đầu năm 2024 đến nay phục hồi nhưng không chắc chắn, nhưng với kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng 6,0% của Việt Nam trong năm 2024 đã tăng niềm tin của doanh nghiệp logistics. Đặc biệt, Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc… cũng mang lại tín hiệu tích cực cho những tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành logistics.
Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report kết hợp với phỏng vấn chuyên gia trong ngành cho thấy, các xu hướng định hình thị trường logistics trong năm 2024 và những năm tiếp theo là vận tải biển nội địa sẽ song hành cùng phát triển mạng lưới đường bộ. Đồng thời, điều tiên quyết khi phát triển vận tải biển nội địa là kết nối cảng biển với hệ thống cảng thủy nội địa, đường cao tốc, đường sắt…
Ngoài ra trong ngắn hạn, doanh nghiệp logistics kỳ vọng được đơn giản hóa quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; tăng cường hoạt động hậu mãi để gắn kết khách hàng; tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số. Song song đó, sự cân bằng cán cân thương mại của các vùng kinh tế là giải pháp dài hạn cho giảm chi phí logistics cần được chú trọng.
Về phía hiệp hội, ông Đào Trong Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, "Logistics xanh" không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp logistics mở cửa thị trường quốc tế và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững.
Ông Đào Trọng Khoa cũng cho biết thêm, những vấn đề như chuyển đổi số trong hải quan, logistics hàng không bền vững, đào tạo kỹ năng xanh cho nhân lực… sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần định hướng cho sự phát triển xanh, bền vững của ngành logistics Việt Nam. Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đảm bảo ngày càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhất là đáp ứng nhu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.